Mục lục 1.Nguyên liệu làm vịt nấu chao 2.Sơ chế nguyên liệu 3.Cách làm vịt nấu chao Bước 1: Ướp vịt Bước 2: Chiên khoai môn Bước 3: Xào thịt vịt Bước 4: Hoàn thiện vịt nấu chao 4.Yêu cầu thành phẩm |
Vịt là gia cầm quen thuộc với mọi người và giàu dinh dưỡng, dễ chế biến thành các món ăn ngon. Về dinh dưỡng, trong 100g thịt vịt có khoảng 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng), chưa kể hàm lượng canxi, phosphor, sắt, vitamin… cũng rất cao.
Trông đông y khuyên, mùa hè nên ăn thịt vịt để có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm và có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Một trong những món vịt mà chị em thường chế biến cho gia đình là vịt nấu chao.
Vịt nấu chao là một món ăn đặc trưng của người Miền Tây sông nước nhưng với vị ngọt của thịt vịt, vị thơm của chao, vị bùi bùi béo ngậy của khoai môn với một chút cay cay của ớt đã làm cho món vịt nấu chao được nhiều người ưa thích và nó đã trở lên phổ biến ở nhiều nơi.
Hơn nữa, giờ đang là mùa vịt, thịt mềm, ngọt nên chị em có thể tranh thủ mua vịt chế biến nấu chao cho cả nhà thưởng thức. Cứ hình dung, những miếng vịt mềm ngon, nóng hổi, quyện lẫn trong gia vị chao béo ngậy, khoai môn thơm bùi... thật hấp dẫn. Đây sẽ là món ăn ngon, bất kể dù đang ở thời tiết nào.
Cách làm vịt nấu chao không hề khó, chị em hãy tham khảo công thức dưới đây nhé.
PHẦN 1: NGUYÊN LIỆU
- 1/2 con vịt (khoảng 1kg)
- 1 củ khoai môn (300gr)
- 1 bó rau muống
- 1 trái dừa xiêm
- 0.5 kg bún tươi
- Các gia vị như chao đỏ, tỏi, hành củ, ớt, gừng, hành lá, rượu trắng, muối, mì chính, đường, tiêu, chanh.
Nguyên liệu làm vịt nấu chao (Ảnh: Chun Chun Mai)
Lưu ý khi chọn nguyên liệu:
- Cách chọn vịt ngon để nấu chao
+ Vịt đang sống:
- Chọn những con vịt trưởng thành và béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông (điểm mút của hai cánh vừa đủ đan chéo vào nhau). Những con vịt này làm lông sẽ nhanh, không tốn thời gian.
- Hạn chế chọn vịt non vì thịt sẽ nhão, không săn chắc và rất tốn thời gian để nhổ lông tơ (lông măng). Những con vịt non sẽ có mỏ to và mềm. Còn vịt già có mỏ nhỏ và cứng. Vịt đã đẻ một vài lứa có thịt cũng khá thơm. Loại vịt này thì bụng dưới xệ xuống.
- Khác với gà, nếu ăn thịt vịt thì nên chọn vịt đực, vì vịt đực ăn ngon hơn vịt cái.
- Để xem vịt khỏe mạnh hay bệnh, chị em hãy vạch phía sau đuôi xem hậu môn vịt không bị dính phân chảy là vịt không bị bệnh.
+ Vịt làm sẵn:
- Nên chọn vịt mới mổ, nhìn còn có độ tươi ngon, ấn tay vào các phần của vịt thấy chắc.
- Quan sát hai bên đùi và lườn vịt, thấy căng bóng, thớ thịt dày thì không nên mua. Khi dốc ngược con vịt, thấy nó bị biến dạng thì đó là vịt bơm nước.
- Dùng tay ấn vào đùi và lườn vịt, thịt bị bơm nước thường bập bùng, nhão.
- Nếu vịt đã mổ phanh ra, quan sát bên trong, thấy phần trong nhiều ước ở bên trong màng đó cũng là do bơm nước. Nếu bạn vẫn mua vịt này về, khi chặt miếng sống ra, nước chảy ra rất nhiều, thịt ăn nhạt, không có mùi tươi ngon.
Nên chọn vịt mới mổ, nhìn còn có độ tươi ngon, ấn tay vào các phần của vịt thấy chắc
- Cách chọn khoai môn ngon:
- Chỉ nên chọn những củ khoai môn có kích thước vừa, không lấy những củ lớn quá cũng như nhỏ quá.
- Những củ khoai môn có lớp ruột bên trong màu trắng đục, xuất hiện thêm nhiều vân tím thì đó là những củ khoai môn thơm ngon và nhiều bột.
- Chao là gia vị như thế nào?
- Chao hay đậu phụ nhự - đậu hũ nhũ là một loại đậu phụ lên men, một món ăn của ẩm thực Quảng Đông (Trung Quốc) và Việt Nam. Ở Việt Nam, chao phổ biến hơn ở miền Trung và miền Nam. Nhiều người cảm thấy sản phẩm này có vị thơm ngon, béo ngậy, đặc trưng, kích thích ăn ngon miệng.
- Chao có hai loại khác nhau: chao trắng và chao đỏ. Chao trắng là chao có thêm hạt tiêu xay, chao đỏ là chao có thêm ớt. Tùy vào sở thích mà bạn có thể chọn loại chao trắng hoặc đỏ để chế biến món ăn.
PHẦN 2: SƠ CHẾ CÁC NGUYÊN LIỆU
- Vịt làm sạch, rửa lại với chút rượu trắng và gừng giã giập để khử mùi hôi của vịt. Sau đó, để ráo, chặt thành miếng vừa ăn.
Vịt cần sơ chế, loại bỏ mùi hôi trước khi chặt miếng vừa ăn (Ảnh: Chun Chun Mai)
- Hành, tỏi bóc vỏ, rửa sạch, bằm nhỏ.
- Ớt rửa sạch, bằm nhỏ.
- Rau muống nhặt bỏ lá già, gốc rau lấy phần non, rửa sạch, ngâm nước muối loãng 15 phút rồi vớt ra để ráo.
- Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, xắt miếng vuông ngâm trong nước cho khỏi thâm, sau đó vớt ra để ráo.
PHẦN 3: CÁCH LÀM VỊT NẤU CHAO
Bước 1: Ướp thịt
- Ướp thịt vịt với 4-5 miếng chao, hành, tỏi bằm nhỏ (1/2 chỗ hành tỏi đã bằm nhỏ ở trên), ớt, đường, tiêu, mì chính và chút xíu muối để khoảng 45-60 phút cho ngấm. Chú ý cho chút xíu muối thôi nhé vì bản thân món chao đã mặn rồi.
Bước 2: Chiên khoai môn
- Bắc chảo lên bếp, dầu nóng cho khoai môn vào chiên sơ 2 mặt sau đó cho ra đĩa để riêng.
Bước 3: Xào thịt vịt
- Cho chỗ hành, tỏi bằm còn lại vào phi thơm. Sau đó cho vịt đã ướp ở trên vào xào săn lại.
Bước 4: Hoàn thiện vịt nấu chao
- Khi thịt vịt xào đã săn lại, cho nước dừa vào cho ngập thịt nấu nhỏ lửa cho đến khi vịt chín mềm, khoảng 15 phút là vịt chín.
- Vịt chín, cho khoai môn đã chiên sơ ở trên vào tiếp tục đun, đến khi khoai chín mềm, nêm nếm cho vừa miệng là được.
Bước 5: Pha nước chấm chao
- Trong lúc đợi vịt chín thì chúng ta đi pha nước chấm chao. Lấy 2 viên chao đỏ cho vào bát, thêm 1/2 thìa đường, chút nước cốt chanh, dùng thìa tán nhuyễn chao sau đó cho ít tỏi, ớt bằm nhỏ, nêm nếm cho vừa miệng.
Trình bày:
Vịt nấu chao cho ra bát ăn nóng hoặc cho ra nồi, đun thành món lẩu, ăn kèm rau muống rất ngon.
Vịt nấu chao ăn kèm với bún tươi và các loại rau, cách ăn cũng như các món lẩu, phù hợp cho những bữa ăn gia đình, họp mặt bạn bè hay đám tiệc.
Vịt nấu chao có thể chế vào nồi lẩu ăn với các loại rau nhúng rất ngon (Ảnh: Chun Chun Mai)
YÊU CẦU THÀNH PHẨM:
- Thịt vịt mềm ngon, có vị hơi béo ngậy của chao
- Nước sốt vịt nấu chao sánh ngậy, hương thơm đậm đà
- Khoai môn thơm bùi, còn nguyên miếng, không bị nát
Như vậy có thể thấy cách làm vịt nấu chao không hề khó, chị em có thể tham khảo gợi ý bên trên để thực hiện món ăn hấp dẫn cho cả gia đình khi mùa vịt về nhé!
Post a Comment