Nhà thiết kế cho rằng, nên chọn áo dài thuần truyền thống để mặc trong dịp lễ Tết cổ truyền.
- Việc diện áo dài dịp Tết Đinh Dậu đang gây tranh cãi, anh đứng về phía nào giữa hai ‘phe’ truyền thống và cách tân?
- Thật ra, chúng ta nên phân biệt rõ hai khái niệm, áo dài cách tân và trang phục được thiết kế dựa trên cảm hứng sáng tạo từ áo dài. Trong lịch sử phát triển, nhiều cách làm mới áo dài từng gây tranh cãi. Để trang phục này đi vào cuộc sống thì việc biến tấu sao cho thích nghi với môi trường xã hội theo từng thời điểm thích hợp là điều cần thiết. Trên thế giới, các trang phục truyền thống như kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sari của Ấn Độ, sườn xám của Trung Quốc.... cũng được các nhà thiết kế cách tân hiện đại hơn. Tuy nhiên, việc cách tân cũng phải nằm trong một số quy tắc nhất định tránh việc quá đà, dẫn đến mất bản sắc và các đường nét truyền thống.
Đối với tôi, cả hai phong cách thiết kế này đều không có gì đáng tranh cãi, bởi vì mục đích và hình thức sáng tạo khác nhau. Vấn đề là chúng ta cần rõ ràng với tên gọi cho từng trường hợp cụ thể. Là một người yêu mến áo dài, bạn nên chọn cho mình những mẫu thuần truyền thống để mặc trong những sự kiện mang tính chất văn hoá, nêu cao bản sắc dân tộc như Tết, những ngày lễ truyền thống của Việt Nam, nghi thức truyền thống trong lễ cưới hỏi. Bên cạnh đó, bạn có thể chọn những mẫu áo dài cách tân cho những hoạt động hằng ngày cần sự năng động nhưng vẫn phù hợp với nét văn hoá dân tộc. Còn những mẫu thời trang được lấy cảm hứng dựa trên chiếc áo dài nguyên mẫu thì chỉ là những mẫu trang phục mang tính ứng dụng và đó không thể được gọi là áo dài.
|
Theo nhà thiết kế Thuận Việt, trong những ngày Tết cổ truyền nên chọn áo dài truyền thống để nêu cao bản sắc văn hóa Việt.
|
- Theo anh lý do nào khiến áo dài cách tân thường gặp phải sự phản ứng dữ dội?
- Trong lịch sử phát triển của chiếc áo dài, đã có rất nhiều lần việc "cải tiến" bị phản đối, nhưng nhiều trào lưu cũng được ra đời từ cách làm mới. Theo tôi, việc thay đổi hình hài của áo dài không được vượt khỏi những đặc trưng vốn có của nó. Có thể chỉ là cách xử lý nhẹ nhàng làm cho áo dài hiện đại, mới lạ, gần gũi và thông dụng hơn. Nếu khi áo dài bị biến tấu quá đà và bị lầm tưởng đến hình ảnh của một trang phục khác thì đây không còn là cách tân. Xét đúng nghĩa, đó chỉ là một trang phục mượn tư tưởng từ áo dài. Việc nhiều bạn trẻ mặc áo dài đón Tết là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng cách chọn lựa kiểu dáng không phù hợp lại tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm, đôi khi trở nên phản cảm. Đặc biệt, lễ Tết lại là dịp mà chúng ta cần tôn vinh giá trị dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa.
- Là một nhà thiết kế, với anh làm thế nào để vừa gìn giữ giá trị của trang phục dân tộc nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển và hội nhập với xu hướng mới?
- Theo đuổi con đường thiết kế trang phục dân tộc, tôi luôn hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc góp sức bảo tồn văn hoá Việt. Bất cứ một dân tộc, một đất nước nào càng phát triển thì họ lại càng có khuynh hướng gìn giữ và quay về với những sản phẩm văn hóa mang tính chất truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, việc bảo tồn không có nghĩa là bảo thủ với cái cũ. Chúng ta vẫn có thể nghiên cứu sáng tạo và hiện đại hoá những đường nét truyền thống đó trong một thời điểm cụ thể. Tất nhiên việc giới hạn và phát triển nó như thế nào còn tuỳ thuộc vào nền tảng kiến thức cũng như thẩm mỹ của mỗi người.
Đối với áo dài truyền thống, chúng ta vẫn có thể áp dụng công nghệ hiện đại như kỹ thuật cắt may, kỹ thuật in ấn và nhuộm, trang trí đính kết, thêu thùa nhằm tạo nên sự phong phú, tươi mới trong mẫu mã màu sắc. Đồng thời phát triển chất liệu đa dạng để áo dài truyền thống phù hợp hơn với môi trường hiện đại. Do vậy, trong các chương trình mang tính giao lưu văn hoá hay giới thiệu về áo dài Việt, tôi thường giới thiệu một bộ sưu tập mang tính truyền thống đặc trưng và một bộ sưu tập được sáng tạo trong một mức độ rất giới hạn.
- Cảm nhận của anh về cách kết hợp áo dài cùng váy đụp, mẫu trang phục hot mùa Tết nhưng lại nhận khá nhiều chỉ trích?
- Thật ra, xu hướng thời trang là một vòng xoay và mẫu thiết kế này không mới. Vì bản chất nó là những kiểu mẫu được kết hợp với chiếc váy từ bộ áo tứ thân miền Bắc. Tôi cho rằng, đây không phải là áo dài mà phải gọi là mẫu váy áo hiện đại có cảm hứng sáng tạo từ áo dài. Có lẽ vì dễ mặc, chi phí may hợp túi tiền nên trang phục này được nhiều bạn trẻ chọn. Đi cùng với lời kêu gọi của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, cùng mặc áo dài đón Tết. Tôi cũng tham gia ủng hộ chương trình này. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta lại không làm tốt vai trò định hướng nên đã để nét văn hoá "lai căng" thâm nhập vào suy nghĩ của giới trẻ. Mọi người sẽ trân trọng tà áo dài Việt Nam nhiều hơn khi hiểu thế nào là truyền thống và giá trị hiếm có của nó.
|
Nhà thiết kế khẳng định, việc bảo tồn văn hóa dân tộc không giống với cách bảo thù bằng tư duy cũ. Nhưng cần khéo léo trong việc cách tân để giữ được giá trị của áo dài Việt.
|
- Theo anh làm mới trang phục truyền thống bằng cách nào để không mang tiếng là người ‘ngược đãi áo dài’?
- Tôi cho rằng, mọi người nên nhìn vấn đề một cách tích cực hơn. Dù đi theo phong cách nào, các nhà thiết kế cũng đều mong muốn mang lại những ấn tượng đẹp cho tà áo dài Việt Nam. Điều quan trọng là ta cần phải đưa nó về đúng tên gọi, mục đích và hình ảnh của từng loại trang phục. Khi sáng tạo bằng cái tâm của một người thiết kế, bằng nền tảng của kiến thức văn hoá dân tộc và sự thu nhận kiến thức từ môi trường bên ngoài có chọn lọc thì mới mang lại hiệu quả cao nhất.
- Cách kết hợp các phong cách Đông – Tây để thể hiện sự giao thoa văn hóa Á – Âu cũng gây tranh cãi. Nhiều nhà mẫu cho rằng đó là cách đưa áo dài đến gần với bạn bè thế giới, cá nhân anh đánh giá thế nào về việc này?
- Thật sự tôi nghĩ rằng, nếu nhìn về khía cạnh văn hoá thì ta chẳng cần phải thay đổi hay làm mới chiếc áo dài để làm gì. Cách tân để đưa nó đến gần hơn với bạn bè thế giới lại càng là một suy nghĩ thiển cận. Bạn bè thế giới họ cần thấy bản sắc đặc trưng văn hóa của chúng ta chứ họ hoàn toàn không mong muốn nhìn nhận một sản phẩm văn hoá "lai căng". Điều mà chúng ta cần phải làm là hãy mặc những chiếc áo dài thật đúng nghĩa.
- Khách hàng tìm đến thương hiệu áo dài Thuận Việt ở mùa xuân năm nay thích các kiểu mẫu theo phong cách nào?
- Mỗi mùa Tết đến, tôi luôn tư vấn khách hàng chọn những mẫu theo thiết kế áo dài truyền thống, màu sắc mang không khí mùa xuân, họa tiết thêu tay đơn giản nhẹ nhàng, phù hợp với những hoạt động như dạo phố, đi chúc Tết. Tà áo cũng có thể ngắn hơn một chút cùng với cổ áo đa dạng như vuông tròn, cao thấp.
- Trong bộ sưu tập chào xuân Đinh Dậu của anh có điểm gì mới lạ hơn so với các mẫu thiết kế ở mùa xuân trước?
- Tôi vẫn trung thành với áo dài truyền thống, áp dụng kỹ thuật cắt may hiện đại, phối hợp chất liệu và màu sắc nhẹ nhàng hoặc đối xứng. Đồng thời kết hợp những họa tiết trang trí bằng phương pháp thêu tay truyền thống hay in chuyển nhiệt hiện đại. Những mẫu thiết kế của tôi cũng không đi khỏi trào lưu thời trang thế giới là sự tối giản. Màu sắc thiên về những tông màu dịu mắt, ngọt ngào.
Đầu năm 2017, tôi đã giới thiệu bộ sưu tập áo dài “Hà Nội 12 mùa hoa “với sự đóng góp của 12 hoa hậu, á hậu hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó là những mẫu dành riêng cho Tết với hình ảnh những chú gà may mắn được vẽ bằng tay phối hợp với các họa tiết hoa xuân nổi bật nhằm mang lại sự trẻ trung và thanh lịch cho người mặc.