Bé 8 tuổi chơi đùa cùng chú chó cưng vô tình chạm phải vết thương ở chân của nó, con vật quay lại cào cắn khiến khuôn mặt cô chủ nhỏ bị rách nát nghiêm trọng.
Bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu tối 26/10 với 15 vết rách lớn nhỏ trên gương mặt. Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết đây là một trong những ca bị chó cắn nặng nề, thương tâm nhất bởi gần như cả khuôn mặt bé đều bị tổn thương. Trong đó vết thương ở vùng thái dương rách sâu đến lộ xương bên dưới. Đặc biệt vết thương ở vùng mặt bên phải rất sâu, lộ hết cả hàm răng, kéo từ môi tới tận vùng trước tai dài khoảng 12 cm, rách luôn cả lớp niêm mạc má. Vết thương ở mi dưới của mắt phải, rách lớp da bên ngoài, tạo thành nhiều đường song song.
Ê kíp trực cấp cứu đã mất hơn một giờ rửa sạch vết thương, xử lý ban đầu để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sáng hôm 27/10, các bác sĩ đã gây mê bệnh nhi để dành gần 3 tiếng đồng hồ khâu hàng trăm mũi, tạm trả lại khuôn mặt cho bé. "Quá trình khâu vá mặt cho bé rất vất vả vì phải dùng đến 10 sợi chỉ, mỗi sợi dài 75 cm, khâu cả mặt trong đến mặt ngoài khoảng 3 lớp", bác sĩ Hằng chia sẻ.
Các bác sĩ chia sẻ hình ảnh gương mặt bệnh nhi bị chó cào rách. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt cho biết các bác sĩ chỉ cố gắng hết sức để trả lại sự toàn vẹn lớn nhất cho cháu chứ không thể nào đưa khuôn mặt trở vềnguyên trạng ban đầu. Chức năng của mặt và miệng bé có thể không ảnh hưởng nhưng về lâu dài nguy cơ chức năng diễn cảm không thể đáp ứng được hoàn chỉnh. Ngoài hậu quả để lại trực tiếp là sẹo, co rút ngoài ý muốn, nếu vết thương ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt thì sẽ để lại nhiều biến chứng. Dự kiến bệnh nhi sau này còn phải nhiều lần được can thiệp phẫu thuật tùy theo diễn tiến lành thương.
Bác sĩ Đẩu khuyến cáo các phụ huynh nhà có trẻ nhỏ thì tốt nhất không nên nuôi chó. Nếu vì một lý do nào đó không thể không nuôi chó thì cố gắng cách ly em bé với con vật ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó đang nuôi con, đang ăn, bị thương... Khi thả chó ra khỏi nơi nhốt thì phải rọ mõm, tuân thủ chích ngừa nó định kỳ. Khi bị chó cắn nên mang bé đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời và chích ngừa cho bé.
Chó thường cắn vào vùng mặt nạn nhân, đa số vết rách do cắn dài, sâu, vết xướt mất nhiều da và cơ. Răng chó rất bẩn nên vết thương thường phức tạp, thiếu hổng nhiều và dễ nhiễm trùng. Ngoài chích ngừa chó dại cắn, bé cần chích thêm kháng huyết thanh ngừa uốn ván vì song song vết cắn thường là vết cào, trầy do móng chân chó rất dơ, chứa vi khuẩn tetanus.
Gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều ca trẻ bị chó cắn nghiêm trọng. Có bé 3 tuổi rưỡi đang chơi với ông thì bị chó nhà cào rách mặt với 19 vết chó cắn lớn nhỏ, trong đó có 2 vết thương vùng má rất sâu và một vết rách thủng sâu tận tuyến mang khá nghiêm trọng. Các bác sĩ đã trải qua gần 2 giờ đồng hồ khâu đóng vết thương với tổng cộng gần 200 mũi khâu. Hoặc bé gái 2 tuổi ở Bình Dương bị chó cắn lôi vào gầm xe hơi. Nhiều người lớn phải chui vào gầm xe vừa đuổi đánh chó vừa đem em bé ra. Trong quá trình giằng xé, bé bị vỡ luôn một miếng xương hàm và răng. Các bác sĩ phải vừa xử lý vết thương phần mềm cho bé vừa phẫu thuật gắp miếng xương chết ra, khâu lại bên trong xương hàm.
Lê Phương
Post a Comment