Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng ký hiến toàn bộ mô tạng khi chết não, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ việc này rất bình thường, xuất phát từ thực tiễn có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép tạng.
- Là quan chức đầu tiên tham gia hiến tạng, bà suy nghĩ thế nào về việc này?
- Năm 2013, tôi đăng ký hiến tặng toàn bộ mô, tạng khi chết não và thấy chẳng có gì đáng sợ. Tôi không phải trường hợp đặc biệt, chỉ là công dân bình thường. Trước tôi nhiều người đã đăng ký hiến mô tạng.
Tôi còn xung phong làm Chủ tịch Hội vận động hiến ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người. Với cương vị quản lý nhà nước, tôi càng có lý do thúc đẩy nhanh để có nguồn tạng.
- Lý do Bộ trưởng tiên phong hiến tạng là gì?
- Hiện nay nhu cầu ghép tạng ở các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như thận, ung thư, suy tạng là rất lớn... Hàng chục nghìn người có nhu cầu ghép tạng và chỉ có ghép may ra mới cứu sống được. Kỹ thuật ghép tạng Việt Nam đã làm chủ, nhưng cái khó là nguồn tạng. Ví dụ bệnh nhân tử vong do tai nạn giao thông, chết bất đắc kỳ tử rất nhiều, nhưng người nhà không cho tạng.
Mấy tuần vừa rồi, Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) có hàng chục người chết não, tức đã chết lâm sàng. Nếu như những người này hay gia đình cho phép tham gia hiến tạng thì y tế sẽ lấy (sau nhiều tiêu chuẩn chọn lọc) ghép cho người đang chờ, như ghép gan, tim, thận, giác mạc... Tuy nhiên, ở Việt Nam văn hóa cho đi thân thể người thân vẫn còn mới mẻ và cần vận động tuyên truyền nhiều hơn nữa.
Hiến tạng giúp cho 3 chủ thể được hạnh phúc: Người chết được hiến tạng cứu người; người được ghép tạng được cứu sống; ngành y giúp kết nối người cho và người nhận giành lại sự sống.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Võ Hải. |
- Bà đã kêu gọi người dân hiến tạng giúp đỡ bệnh nhân. Kết quả lời kêu gọi thế nào?
- Tôi đã nhờ các chức sắc tôn giáo như linh mục, hòa thượng giảng về triết lý giáo phái, khuyến khích người dân làm việc thiện, càng hiến tạng, làm việc có ích càng mau được siêu thoát.
Bên cạnh đó là sự tuyên truyền của truyền thông, mặt trận đoàn thể vận động, sự hưởng ứng của người dân thì việc hiến tặng sẽ ngày càng nhiều. Ở phương Tây rất dễ nhưng các nước người dân theo đạo Phật thì sợ điều đó.
- Gia đình phản ứng thế nào khi bà đăng ký hiến tạng?
- Người nhà tôi đều là thầy thuốc nên hoàn toàn ủng hộ. Ngoài tôi ra, anh Vũ Trọng Kim là Phó chủ tịch Hội vận động hiến ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người cũng đăng ký hiến tạng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 5.000 người có nhu cầu ghép thận và hàng nghìn người chờ ghép gan, tim. Số liệu từ Hội Gan mật Việt Nam, một năm có hơn 20.000 người chết vì ung thư gan và viêm gan. Thế nhưng mỗi năm các bệnh viện lớn chỉ có thể thực hiện ghép được khoảng 100 ca thận và tim, còn ca ghép gan thì đếm trên đầu ngón tay. |
Võ Hải ghi
Post a Comment