Đã bao giờ chúng ta tự "nhốt" hay "đánh" mình khi ăn cắp vặt, thay vì đánh và nhốt con chúng ta?

Hơn mười năm làm giáo viên và nghiên cứu về phương pháp giáo dục Steiner -cách giáo dục dựa trên cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và bản chất con người, nhà giáo Nguyễn Thu Hương, Hà Nội, có một góc nhìn khác về cách bố mẹ ứng xử và giúp con thay đổi hành vi xấu - ăn cắp vặt.

Một bé gái 10 tuổi được giải thoát từ một nhà ngôi nhà cũ đóng kín trong khuôn viên chùa, nơi bé bị nhốt vì tội ăn cắp vặt. Cái tin làm sốc cộng đồng mạng vì hai lý do: bé bị nhốt và trong chùa. Tất cả mọi người tập trung vào sự nhẫn tâm của nhà chùa. Nếu bỏ qua yếu tố đây là một nơi cửa Phật thì hành động này có đáng lên án không?

Cách đây vài tháng, một cặp vợ chồng bạn tôi đã vô cùng đau khổ và gần như đầu hàng với tật ăn cắp vặt của cô con gái 6 tuổi. Và tất nhiên dù có trí thức hay cấp tiến, bạn tôi đã đánh con và đánh đau mỗi lần phát hiện con lấy tiền từ ví của mình, bởi làm sao họ chịu được đứa con xinh đẹp của mình lại có hành động mà họ cho là xấu xí, xấu xa đến vậy. Sau nhiều lần đánh con, tật ăn cắp của bé có phần gia tăng, họ mệt mỏi tâm sự với tôi để may ra vớt vát được điều gì đó. 

Vậy đánh và nhốt có tác dụng giáo dục gì không? Hẳn là không, nó chỉ thỏa mãn cơn tức giận nhất thời của người lớn hơn là để dạy dỗ trẻ được điều gì, ngoài thái độ sống bạo lực và tiếp tục cung cấp thêm động lực cho trẻ để ăn cắp tiếp.

nguoi-lon-cung-an-cap-vat-nhung-chi-trung-phat-tre

Ảnh minh họa: Babystuffgifts.

Trẻ sinh ra là thiện, không có ý muốn làm bất cứ việc gì sai trái hay xấu xa. Nguyên nhân sinh ra hành động/thói quen ăn cắp của trẻ là bởi trẻ thiếu tình yêu thương từ những người xung quanh, trẻ không có cảm giác an toàn, không có mối quan hệ tin cậy. Giải pháp để trị tận gốc thói quen ăn cắp vặt của trẻ cũng chỉ là yêu thương, yêu thương chân thành và bằng hành động, bằng thời gian chia sẻ, không chỉ là yêu thương để đó, và không bao giờ có cách nào khác.

Tôi đã nói điều đó với bạn mình mà không sợ mất lòng, xin bạn hãy dành thời gian bên con nhiều hơn, ôm con nhiều hơn, trò chuyện với con nhiều hơn... để đến một lúc con có thể nói với bạn mọi điều, và rồi bạn sẽ thấy con bạn bỗng nhiên không bao giờ ăn cắp nữa. Mà nếu chẳng may còn có một lần nữa con lấy tiền từ ví bạn, hãy cố quay đi để ngăn cơn giận rồi đến bên con, thay vì đánh con, hãy ôm con vào lòng và chỉ cần nói rằng: mẹ buồn lắm vì con làm việc xấu là lấy tiền của mẹ; và tiếp tục yêu thương con, làm cho con tin cậy như thế, bạn sẽ thấy con bạn khóc cùng bạn và không bao giờ tái phạm nữa.

Thế rồi bẵng đi, tôi hỏi lại bạn: gia đình đã yên ổn lại chưa? Bạn mỉm cười mãn nguyện: không chỉ con không còn tật xấu mà chính bố mẹ cũng học được nhiều điều lắm.

Tại sao ta lại làm được chuyện thần kỳ một cách dễ dàng thế với trẻ con? Bởi trẻ con không phải là một người lớn thu nhỏ để ta áp đặt luật pháp của người lớn, ăn cắp thì xử tù, ăn cắp thì bị bêu rếu.

Giá như những gì đang làm một cách "nghiêm minh" như thế, chúng ta hãy đừng làm với trẻ con mà dành cho chính người lớn mình. Dạy dỗ, ra uy với một đối tượng yếu thế bao giờ cũng khiến chúng ta thấy có vẻ như mình có đạo đức hơn, bao giờ nó cũng ve vuốt nhân cách chúng ta hơn. Và nó dễ quá! Cái khó là tự tôn, là nghiêm minh với chính mình. Đã bao giờ ta tặc lưỡi cho qua những việc "ăn cắp vặt" của chính mình, những người trưởng thành? Đã bao giờ ta tự "nhốt" hay "đánh" chính chúng ta khi chúng ta ăn cắp thay vì đánh và nhốt con chúng ta?

Bà nội trợ đi mua mớ rau mà được trả thừa tiền thì thôi hí hửng hôm nay lời được mấy ngàn. Ông công chức đi rửa tay nơi cơ quan, xí nghiệp không thèm khóa nước thì khoái chí: tiền nước chúng nó mà. Cô giám đốc bán hàng lấy được cái hóa đơn taxi đi việc chung việc riêng gì đều gộp vào cho công ty trả tiền thì tự mãn: mình được đãi ngộ vậy, tội gì. Anh giám đốc dự án chạy được cái dự án lớn thì nghiễm nhiên coi tiền lại quả thuộc phần công sức của mình…

Một xã hội người lớn như vậy thì chắc chắn những đứa trẻ ăn cắp vặt sẽ tiếp tục bị đánh, bị nhốt, trong chùa hay ngoài chùa. Chỉ khi nào người lớn trung thực, liêm chính thì khi đó họ sẽ bình tâm tìm nguyên nhân để thấu hiểu, để yêu thương và giúp trẻ, như vợ chồng bạn tôi đã đủ bình tâm và giúp con. Còn không thì... họ sẽ nổi điên khi nhìn thấy cái xấu xí của chính mình nơi đứa trẻ, cái họ nguyền rủa một cách vô thức mà nay nó lại hiện lên trêu ngươi họ đến thế.

Nhà giáo Nguyễn Thu Hương

Post a Comment

 
Top