Tôi không thể tiết kiệm, tôi quá bận rộn... là những lý do quen thuộc của những người không thành công trong tài chính.
Thật quá dễ dàng khi nói lời hối tiếc vì đã không tiết kiệm đủ tiền và không chuẩn bị được tài chính cho tương lai: Bạn không làm ra tiền, bạn cần mua quần áo mới, đồ đạc của bạn quá cũ, chi phí cho con cái quá đắt đỏ... Trừ khi bạn được thừa kế một tài sản kếch sù, tốt nhất bây giờ bạn nên có những lựa chọn để đảm bảo sự an toàn tiền bạc cho mình.
Dưới đây là những lý do phổ biến khiến mỗi người khó đạt được sự thành công trong chi tiêu, và nếu những điều này là quen thuộc với bạn, bạn cần phải thay đổi:
1. Tôi không thể tiết kiệm
Nhiều người cho rằng họ không làm đủ tiền để có thể bỏ riêng một phần cho tiết kiệm. Thậm chí nhiều nhân viên có mức thu nhập cao vẫn cảm thấy điều này.
Người ta khó mà tiết kiệm khi đã chi tiêu hoang phí - Ảnh: searchengineland |
Theo David Melnyk, một chuyên gia kế hoạch tài chính của Verus Wealth Management, "thủ phạm đứng đằng sau lý do này thường chính là lối sống hoang phí. Khi một người kiếm được nhiều hơn, họ thường cảm thấy họ có thể chi tiêu nhiều hơn. Tiêu tiền để thỏa mãn cuộc sống là điều cần thiết và quan trọng nhưng hãy đảm bảo rằng bạn vẫn còn tiền cho việc thực hiện các giấc mơ và mục tiêu của mình".
David Melnyk khuyên để đối phó với sự leo thang của các chi phí sinh hoạt, hãy lập một ngân sách giúp bạn tiết kiệm và có thể sống phù hợp.
2. Sau này tôi sẽ tiết kiệm
Thật dễ dàng và thú vị khi ta sống cho hiện tại mà không phải lo lắng về tương lai. Đó cũng là một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều người thất bại khi tiết kiệm.
Jason Hull, một chuyên gia lập kế hoạch tài chính, viết trên myFinancial Answers: “Hãy tưởng tượng tương lai của bạn giống như xem một bộ phim. Hãy nghĩ về những hậu quả tiêu cực: Ví dụ phải nghỉ hưu sớm vì bệnh tật. Hãy xem bộ phim tương lai của bạn phụ thuộc vào những gì bạn đang làm trong ngày hôm nay. Điều đó khiến bạn cảm thấy tương lai như một người thân trong gia đình và bạn sẽ muốn làm điều gì đó cho nó". Việc tiết kiệm cho tương lai là rất quan trọng.
3. Nó quá phức tạp
"Nếu bạn không biết làm thế nào để bắt đầu, hãy đầu tư một số tiền nhỏ từ lương của bạn vào quỹ nghỉ hưu của công ty”. Lawrence Solomon, Giám đốc đầu tư và kế hoạch tài chính của OptiFour Integrated Wealth Management khuyên. Ngoài ra, bạn cũng có thể đầu tư tiền vào một quỹ tài chính, nên chọn những quỹ đơn giản sẽ tốt hơn.
4. Chỉ chuẩn bị tiền bạc cho một sự kiện
Bạn cho rằng mình chỉ cần tiết kiệm tiền để làm một việc gì đó (ví dụ tốt nghiệp đại học, đám cưới...), công việc hoàn thành là bạn xong trách nhiệm. Chính suy nghĩ này khiến bạn khó có một tương lai tài chính ổn định.
Theo chuyên gia Trevor Ewen (công tác tại trang PearfotheWeek.com), bạn nên lên kế hoạch đồng thời cho cả các mục tiêu cấp bách và lâu dài, và chuẩn bị tài chính cho cả hai mục tiêu ấy. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn so với nhu cầu của một thời kỳ nào đó.
5. Nghĩ rằng "không thể biết trước điều gì"
Thực tế, bạn chịu trách nhiệm về cách bạn chi tiêu, số tiền bạn kiếm được, cách bạn đầu tư và ra các quyết định tài chính. Bằng cách tuyên bố rằng cuộc sống là không công bằng hoặc các cuộc chơi là lừa đảo, bạn đã tự trốn tránh trách nhiệm tìm kiếm sự thay đổi tích cực cho mình.
6. Sợ đối mặt với những khó khăn về tài chính
Những người lưu trữ các hoá đơn tài chính dưới gầm giường có thể đã quen với nỗi sợ hãi này. Đối mặt với thực tế chi tiêu sẽ là bước đầu tiên để họ hướng tới sự an toàn tài chính.
Josh Nelson, Giám đốc điều hành của Keystone Financial Services nhận xét: "Mọi người đều không muốn thất bại. Họ không dám hành động vì họ sợ rằng mình đã trì hoãn quá lâu và đã quá muộn để làm việc gì đó. Sự thật là không bao giờ quá muộn để ta làm một điều đúng".
Hãy đi trước và đối mặt tình hình tài chính của mình. Hãy xem bạn đang đứng ở đâu để bắt đầu thực hiện một kế hoạch giúp bạn đạt đến tương lai mà mình mong muốn. Hãy theo dõi chi tiêu và thu nhập cá nhân, bao gồm các hóa đơn hàng tháng, các mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn. Hãy điều chỉnh để cán cân thu chi trở lại cân bằng.
7. Tôi quá bận rộn
Lý do phổ biến nhất mà chúng ta hay nghe là: "Bây giờ, tôi không có thời gian" nhà tư vấn tài chính Trent Huston nói. "Và ta có thể hiểu câu này chính là: tôi không dành thời gian cho nó ngay bây giờ". Tuyên bố này sẽ làm suy yếu những nỗ lực cải thiện tình hình tài chính bởi vì ta đã ưu tiên và dành thời gian cho những thứ khác trước.
Một tương lai tài chính ổn định nên được coi là mục tiêu và ưu tiên. Thế nhưng thời gian cứ qua đi và những kế hoạch tài chính lại được trì hoãn. Để thay đổi tình trạng này, nhà tư vấn đầu tư Steve Lewit của United Advisors khuyên: "Bạn hãy tự hỏi mình nếu bạn tiếp tục làm những gì bạn đang làm và không thay đổi, liệu bạn có căng thẳng và lo lắng. Nếu câu trả lời là "có" thì bạn cần phải hành động để giảm bớt căng thẳng".
Hãy xem các mục tiêu tài chính của bạn là cấp bách. Hãy hành động, giải quyết thay vì cứ nói lời bào chữa. Bạn cần hiểu rằng, hành động chi tiêu hiện nay và những gì bạn đạt được trong tương lai có mối liên hệ mật thiết.
Hoàng Anh (Theo Business Insider)
Post a Comment