Ngày 1/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành trong tỉnh quyết liệt kiểm tra, rà soát toàn bộ các hoạt động, dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh được yêu cầu ký cam kết tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm theo đúng quy trình, quy định.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh kiểm tra lại các điều kiện và các thiết bị an toàn cho du khách. Các cơ sở nếu không đảm bảo các thủ tục mà Sở hướng dẫn, các thiết bị, phương tiện không đảm bảo an toàn phải đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh.
Cũng theo người đứng đầu ngành du lịch Lâm Đồng, vụ việc 3 du khách người Anh tử nạn tại khu vực thác Dalanta là bài học đắt giá cho ngành du lịch tỉnh này. Nó cũng dấy lên cảnh báo về việc an toàn cho du khách, quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng... Sau khi sự việc xảy ra, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của doanh nghiệp và thẻ hướng dẫn viên của nhân viên công ty đã bị thu hồi.
Trao đổi với VnExpress, ông Mai Viết Đảng, Chánh thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đình chỉ hoạt động của công ty du lịch Đam Mê và thấy có nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý của công ty. Theo ông, công ty phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn nghiêm trọng này, còn Dalat Tourist (đơn vị chủ quản của khu du lịch Dalanta) phải liên đới trách nhiệm.
Beth (trái) và Izzy. Ảnh: Mirror |
Sáng 26/2, ba du khách người Anh (2 nữ, một nam) đã đến công ty du lịch Đam Mê để đăng ký tour du lịch mạo hiểm. Công ty đã giao cho Đặng Văn Sỹ hướng dẫn đoàn. Khi tham gia tour đi bộ dã ngoại trong rừng, ba vị khách bất ngờ trượt chân ngã từ một tảng đá dẫn đến tử vong. Hai nạn nhân nữ gồm Beth Anderson, và Izzy Squire, người nam là Christian Sloan. Chiều cùng ngày, xác 3 nạn nhân được tìm thấy và bảo quản. Khi phát hiện thi thể nạn nhân, nhà chức trách cho biết họ có đội mũ bảo hiểm, áo phao nhưng không đeo dây an toàn.
Việc xác minh quốc tịch, danh tính của 3 du khách gặp nạn rất khó khăn vì đơn vị tổ chức đưa khách đi thám hiểm không ký hợp đồng, chỉ bán vé; lại không đi vào đường chính thống là khu du lịch Datanla mà băng rừng xuống thác. Hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ, người trực tiếp dẫn tour đưa ba du khách vào tham quan thác Datanla cũng đã bị tạm giữ để điều tra. Hiện anh này đã được bảo lãnh về nhà.
Vụ việc đang gây xôn xao dư luận thì chỉ 2 ngày sau, anh Bandarenka Viktar (26 tuổi, quốc tịch Belarus) bị chết đuối trong lòng hồ dưới chân thác Pongour (xã Tân Thành, Đức Trọng). Vị khách này đến thác không mua vé, trong lúc lội thác bị hụt chân rơi xuống hồ. Thi thể du khách đã được đưa về Trung tâm Pháp y TP HCM và đang chờ phản hồi của Đại sứ quán Belarus để phối hợp xử lý theo quy định.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Khánh Hương |
Theo nhiều chuyên gia du lịch, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng để khai thác nhưng công tác quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển du lịch của các nước trong khu vực, còn nhiều bất cập trong công tác cấp phép và quản lý. Hiện tỉnh có 8 công ty lữ hành quốc tế đăng ký các loại hình du lịch mạo hiểm, tuy nhiên, chất lượng dịch vụ, an toàn đang là vấn đề cần phải làm rõ.
Ở khu vực thác Datanla có các hoạt động du lịch mạo hiểm như đu dây qua các vách núi hay trải nghiệm trượt thác, chèo thuyền qua ghềnh thác... nhưng việc kiểm soát người ra vào, lực lượng tuần tra, bảo vệ ở những khu vực nguy hiểm vẫn còn lỏng lẻo, không có những cảnh báo cho du khách... Mặt khác việc kiểm tra, xử lý sai phạm của các cơ quan chức năng chưa được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, chế tài chưa đủ sức răn đe dẫn đến những tai nạn liên tiếp xảy ra.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo những du khách muốn du lịch mạo hiểm nên tìm đến những công ty có danh tiếng, kiểm tra thiết bị an toàn.
Xem thêm: Chân dung 3 du khách tử nạn ở thác Đà Lạt
Anh Phương
Post a Comment