Ông Nakamura, 43 tuổi là giám đốc một công ty của Nhật Bản có trụ sở tại tỉnh Long An. Một tuần trước vị giám đốc đang khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện FV thì đột ngột đau lưng dữ dội, 30 phút sau bị yếu hai chân không đi lại bình thường được và bí tiểu. Các bác sĩ cấp cứu chụp MSCT thì phát hiện bệnh nhân bị bệnh lý động mạch chủ cấp nên lập tức chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM điều trị.
Bác sĩ ghi nhận người bệnh có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị, huyết áp tâm thu thường ở mức 160 mmHg, bệnh nhân có thể trạng dư cân, hai chân còn cử động được nhưng sức cơ rất yếu kèm theo bí tiểu. Sau khi thăm khám, phân tích MSCT và hội chẩn, các bác sĩ kết luận đây là trường hợp bóc tách động mạch chủ ngực cấp với lỗ vào ngay sau chỗ chia động mạch dưới đòn trái, kèm huyết khối nội thành toàn bộ động mạch chủ ngực xuống và động mạch chủ bụng. Bệnh đã tiến triển gây biến chứng nhồi máu tủy dẫn đến bệnh nhân liệt 2 chi dưới trung ương cấp tính, nếu không điều trị kịp thời có thể liệt 2 chân vĩnh viễn và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Vì bệnh nhân là người nước ngoài lại không có thân nhân bên cạnh nên các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch vừa tiến hành các bước xử trí vừa xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc bệnh viện và tìm mọi cách liên hệ với thân nhân tại Nhật đồng ý cho phẫu thuật. Được sự đồng ý của Ban giám đốc và sự đồng thuận của người nhà, ê kip phẫu thuật gồm nhiều chuyên khoa khác nhau đã được huy động mổ cấp cứu ngay trong đêm cho bệnh nhân.
Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: NP. |
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch cho biết phương án điều trị cho bệnh nhân là đặt dẫn lưu dịch não tủy, sau đó đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ để bít lỗ vào của bóc tách. Khó khăn là lỗ vào nằm ngang vị trí xuất phát của động mạch dưới đòn trái nên nhiều nguy cơ ống ghép khi đặt vào sẽ che phủ lỗ xuất phát của động mạch này. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật Hybrid, tức là phối hợp phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Bước đầu tiên là cắt và chuyển vị trí động mạch dưới đòn trái nối vào động mạch cảnh chung trái. Sau đó đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ ngực xuống và điều trị hạ huyết áp cho người bệnh.
Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ, kết thúc lúc 6h sáng. Hiện người bệnh qua cơn nguy cấp và hồi phục nhanh. Sức cơ của hai chân cải thiện nhiều, chỉ còn yếu nhẹ, đánh giá thang điểm vận động đã tăng lên 4/5 (ban đầu một chân bị liệt hoàn toàn chỉ còn 0/5, bên còn lại là 1/5). Người bệnh đã có thể tiêu tiểu tự chủ, theo dõi tại phòng hồi sức tim mạch.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm tinh mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, hội chứng động mạch chủ cấp là tình trạng cấp tính của động mạch chủ ngực gây nên bởi sự mất liên kết của lớp nội mạc và trung mạc động mạch. Hậu quả là làm bóc tách động mạch chủ cấp, loét xuyên thành hoặc huyết khối nội thành.
Các trường hợp bệnh nhân bị thành động mạch chủ yếu hơn so với bình thường, giảm khả năng chịu đựng lực căng thành có thể gây ra bệnh động mạch chủ cấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải, thường gặp nhất ở nhóm bệnh nhân bị tăng huyết áp và có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, rối loạn lipid máu.
Hội chứng động mạch chủ cấp xảy ra ở nam giới với tần suất cao hơn nữ. Được phân thành type A nếu có liên quan đến động mạch chủ ngực lên, type B nếu không liên quan đến động mạch chủ ngực lên. Trong đó biến chứng của type B rất nguy hiểm bao gồm vỡ lòng giả, tưới máu sai lòng và huyết khối gây thiếu máu các cơ quan đích. Vỡ lòng giả gây tràn dịch màng phổi, nặng có thể choáng mất máu. Thiếu máu thận gây suy thận cấp. Thiếu máu ruột gây hoại tử ruột. Thiếu máu chân gây hoại tử chân. Thiếu máu nuôi tủy gây nhồi máu tủy.
Bác sĩ Định cho biết trường hợp bị nhồi máu tủy như bệnh nhân Nakamura là biến chứng hiếm gặp nhất, chiếm dưới 1%, hậu quả cuối cùng là liệt chi vĩnh viễn, càng để lâu, khả năng phục hồi chi càng giảm. Trong trường hợp trên rất may bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên hồi phục nhanh.
Bệnh động mạch chủ ngực cấp type B tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 10% và 25% nếu có biến chứng, tỷ lệ tử vong khi phẫu thuật cũng rất cao. Do đó can thiệp nội mạch cấp cứu là lựa chọn tối ưu. Can thiệp nội mạch cấp cứu được chỉ định cho hội chứng động mạch chủ ngực cấp type B có biến chứng dẫn đến triệu chứng đau và huyết áp không cải thiện ngay cả khi điều trị nội khoa tối ưu, gia tăng đường kính lòng giả trên phim chụp kế tiếp, giảm tưới máu cơ quan đích, vỡ lòng giả.
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh lý động mạch chủ cấp tiến triển âm thầm mà để lại hậu quả rất nặng nề, do đó mọi người cần nâng cao ý thức phòng và phát hiện bệnh sớm. Can thiệp kịp thời đóng vai trò quan trọng trong tiên lượng sống còn của người bệnh. Một trong những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh này là đau đầu nhiều, đau như xé ở sau lưng.
Bác sĩ Định khuyên những người có nguy cơ như nam từ 40 tuổi trở lên, có thói quen hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid cần phải cảnh giác trước những dấu hiệu nghi ngờ. Khi đó cần đến bệnh viện chụp MSCT động mạch chủ cản quang để chẩn đoán, nếu nghi ngờ bị hội chứng động mạch chủ cấp nên chuyển ngay đến cơ sở y tế có khoa phẫu thuật tim mạch để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Post a Comment