Bác sĩ Sok Sothea, Bệnh viện Calmette, cho biết ê kíp 6 người gồm 3 bác sĩ, 2 điều dưỡng, một kỹ thuật viên của bệnh viện đã được chọn sang Việt Nam học kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu. Với dân số khoảng 15 triệu người, bệnh nhân mắc các bệnh về máu của Campuchia hiện chưa thể được hưởng kỹ thuật ghép tế bào gốc để điều trị bệnh triệt để. "Tôi từng học ở Pháp năm 2006 nhưng khi về nước chỉ chủ yếu thực hiện hóa trị liệu chứ chưa thực hiện ca ghép tế bào gốc nào", bác sĩ Sok Sothea nói.
"Với sự giới thiệu của Hội ghép tế bào gốc tạo máu châu Á, Campuchia đã cân nhắc chọn lựa giữa nhiều quốc gia và quyết định đến chuyển giao kỹ thuật từ Việt Nam vì tin tưởng vào tay nghề của đội ngũ y bác sĩ nơi đây", bác sĩ Sok Sothea chia sẻ. Ông hy vọng sau 5 tháng học tập và trở về nước, ê kíp y bác sĩ Campuchia sẽ thực hiện những ca tự ghép cũng như dị ghép đầu tiên cho bệnh nhân để thoát khỏi bệnh máu hiểm nghèo.
Bác sĩ Phù Chí Dũng và bác sĩ Sok Sothea ký kết chuyển giao kỹ thuật. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết theo chương trình chuyển giao, các bác sĩ Campuchia sẽ học lý thuyết và thực hành. Bệnh viện Campuchia cũng đang trong quá trình chuẩn bị bệnh nhân, trang bị máy móc. Khi các bác sĩ học tập thuần thục trở về nước, Việt Nam sẽ cử người sang Campuchia hỗ trợ những ca đầu tiên từ khâu lấy tế bào gốc, lưu trữ, cấy ghép cho đến điều trị sau ghép...
"Sự tin tưởng của nước bạn đã giúp nâng tầm Việt Nam lên cao hơn trong khu vực và châu Á, giúp rút dần khoảng cách với các nước lớn trên thế giới", bác sĩ Dũng chia sẻ. Với kinh nghiệm 21 năm thực hiện ghép tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện trong nước nhưng đây là lần đầu tiên chuyển giao cho nước ngoài, đòi hỏi phải giảng dạy bằng tiếng Anh.
Các y bác sĩ của 2 bệnh viện chuẩn bị bước vào quá trình chuyển giao kỹ thuật. Ảnh: Lê Phương. |
Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, là cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và trở về cuộc sống bình thường. Kể từ ca ghép đầu tiên Việt Nam 21 năm trước, hiện Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã thực hiện ghép 214 ca, đứng đầu cả nước về số lượng. Nơi đây đã thực hiện được đầy đủ các kỹ thuật mới nhất của thế giới, ghép 3 loại tế bào gốc là tủy xương, máu cuống rốn, máu ngoại vi.
Nam bệnh nhân ghép tủy xương đầu tiên vào năm 1995 sau khi hồi phục đã quay trở lại với công việc thợ may trước đây. Anh lập gia đình, sinh 2 đứa con khỏe mạnh tại Đồng Nai. Năm 2002, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP HCM thực hiện ca ghép máu cuống rốn đầu tiên Việt Nam. Tháng 4/2013, ca dị ghép nửa thuận hợp HLA (còn gọi là Halo) đầu tiên thành công. Đây là kỹ thuật hết sức khó khăn, không cần phù hợp HLA hoàn toàn mà chỉ cần tương thích 50% là có thể ghép. Hiện bệnh viện là nơi duy nhất cả nước thực hiện kỹ thuật Halo, đã ghép được 7 trường hợp. Sự thành công này đánh dấu một bước tiến quan trọng, dần giải quyết được vấn đề thiếu nguồn tế bào gốc ghép phù hợp hoàn toàn.
Lê Phương
Post a Comment