Từ tháng 9, con nước về miền Tây mang theo nhiều sản vật mà người Đồng Tháp đã chế biến thành các món ăn dân dã đáng nhớ. Về Đồng Tháp mùa nước nổi, du khách đừng bỏ lỡ những món ngon sau đây.

Chuột đồng quay lu

Đây là món ăn khiến nhiều du khách e dè, nhưng ăn rồi sẽ thích. Chuột được làm lông sạch sẽ, để lại da ướp ngũ vị hương, gia vị rồi gài vào móc sắt, treo giữa lu khạp đậy nắp thật kín. Chuột sẽ được quay trong lu, trở đều cho thịt chín, khi quay phải sử dụng lửa ngọn mới tạo được lớp da giòn đầy hấp dẫn.

mon-ngon-dong-thap-mua-con-nuoc-ve

Chuột đồng quay được treo bán ở các chợ, ven đường. Ảnh: Xaluan.

Thịt chuột ăn kèm xoài băm nhỏ, rau răm, tía tô, húng lủi, dưa leo chấm muối tiêu chanh mới đúng điệu. Về Đồng Tháp mùa nước nổi, bạn sẽ thấy chuột đồng bán ở ven đường, trong các chợ, hoặc vào quán ăn lớn, giá từ 80.000 đồng một đĩa cho 4 người ăn.

Lẩu cá linh bông điên điển

Cá linh xuất hiện ở Đồng Tháp vào mùa nước nổi, bắt đầu từ tháng 9 đến 11 hàng năm. Thời gian này cũng là lúc mùa hoa điên điển nở vàng, trải dài khắp mé sông.  

Người ta chọn những con cá linh còn tươi rói, béo tròn, làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn vừa có hương thơm nhẹ. Món lẩu cá linh hoa điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước lẩu.

mon-ngon-dong-thap-mua-con-nuoc-ve-1

Giá một nồi lẩu cho hai người ăn khoảng 100.000 đồng ở các quán ăn lớn nhỏ ở TP Sa Đéc hoặc Cao Lãnh. Ảnh: Má Lúm.

Bông súng mắm kho

Người Đồng Tháp có câu “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Bông súng nhổ về, để nguyên cọng, rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay và để trong rổ cho ráo nước.

Mắm kho ngon thường là mắm cá linh, cá sặc...  hòa quyện vị cay từ ớt, the của sả, ngọt nhờ tép, kết hợp bông súng giòn tạo nên món ăn đơn giản mà gắn bó với nhịp sống miền Tây. Món dân dã này không được bán rộng rãi, nếu muốn thưởng thức, bạn phải ghé các quán cơm bình dân ở Hồng Ngự, Cao Lãnh hoặc hỏi người địa phương ở gần khu Tràm Chim.

Bánh xèo Cao Lãnh

Cao Lãnh có làng bánh xèo với hơn 10 quán nằm dọc theo sông Cái Sao Thượng, đường Lê Duẩn, phường Mỹ Phú, thu hút du khách khắp nơi.

Bánh xèo thịt vịt được xem là đặc trưng của Cao Lãnh. Trong đó, vịt được làm sạch, lóc bỏ bớt các xương to, còn chừa xương nhỏ, bằm nhuyễn cả con. Thay vì cho thịt heo và tôm làm nhân, bánh xèo thịt vịt chỉ dùng thịt vịt kèm củ sắn và giá, ăn kèm nước mắm chua ngọt, các loại rau tươi. Giá bánh xèo là 10.000-15.000 đồng một cái, tùy loại nhân.

mon-ngon-dong-thap-mua-con-nuoc-ve-2

Bánh xèo được thưởng thức tùy theo sở thích, cho từng miếng vào chén rồi chan nước mắm, hoặc cuốn với rau thơm. Ảnh: Ngoisao.

Cá lóc hấp bông so đũa

Bông so đũa thường nở vào đầu mùa nước nổi, có màu tím hoặc trắng, vị đắng nhưng ngọt hậu, kết hợp cùng cá lóc tạo nên món ăn độc đáo. Cá lóc làm sạch, ướp gia vị, xếp xen kẽ 2 lớp bông so đũa và hấp cách thủy.

Người làm phải hấp cá chín để lộ phần thịt trắng, chắc nịch, gạt lớp bông so đũa phía trên. Sau phần khói nghi ngút là từng miếng thịt cá thơm lừng.

Cá lóc được nhụy bông so đũa bọc kín nên dịu ngọt và rất thơm ngon, chấm cùng nước mắm dầm ớt trái. Ngày nay không còn nhiều nơi bán món này nhưng bạn có thể liên hệ trước với các quán ăn ở Sa Đéc, Cao Lãnh... để đặt trước với giá từ 100.000 đồng tùy trọng lượng cá.

Xem thêm: Miền Tây bình yên trong mắt khách nước ngoài

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top