Ban đầu, Giang Hoàng (tên thật là Hoàng Lê Giang, sinh năm 1988) đi chủ yếu để thỏa đam mê chụp ảnh, nhưng sau đó được truyền cảm hứng và thử sức với việc leo núi, vượt sông băng. Giang Hoàng còn trở thành nhân chứng cho trận động đất mạnh gần 8 độ richter ở Nepal vào tháng 4/2015, khi đang trong hành trình leo núi. Trận động đất năm đó được đánh giá là mạnh nhất Nepal kể từ năm 1934.

chang-trai-viet-7-lan-leo-day-himalaya-va-khat-vong-den-cuc-bac

Giang Hoàng đứng trước mây và núi non hùng vĩ. Ảnh: NVCC.

“Cuộc sống vô thường, hãy tử tế với nhau”

Còn nhớ khi đó cả đoàn đang ăn trưa ở một basecamp (các trạm nghỉ dành cho người leo núi), thì một trận rung lắc, kéo theo sạt lở dữ dội xảy ra. Lần đầu tiên Giang Hoàng hiểu được mức độ khủng khiếp của một trận động đất. Hướng dẫn viên lo lắng gọi điện về nhà nhưng không thể liên lạc được với bất kỳ ai vì đường dây hệ thống đều đã bị đổ sụp. 

Một số người đòi quay trở về thành phố, nhưng sau khi hội ý, cả nhóm khoảng 6 thành viên quyết định tiếp tục tiến lên phía trước với lý do mọi thứ ở thành phố thời điểm đó đều tan hoang, hỗn loạn, số người chết lên đến mấy nghìn người. Nếu quay trở lại sẽ không có điện, cũng không có nước uống. Trong khi trên núi, hệ thống điện vẫn hoạt động và nước uống từ suối chảy ra.

chang-trai-viet-7-lan-leo-day-himalaya-va-khat-vong-den-cuc-bac-1

Giang Hoàng trong một lần mò mẫm trong tuyết để vượt sông băng. Ảnh: NVCC.

Lúc leo lên, Giang Hoàng thấy cảnh hàng nghìn người đi xuống. Ai gặp cũng khuyên nhóm anh hãy quay lại vì đường đi lên đã bị sập, nhưng mọi người vẫn giữ nguyên ý định. Các chỗ ăn dọc đường lên đều đóng cửa, chủ quán bỏ đi vì sợ nguy hiểm. Cả đoàn kiên trì leo tới tối thì dừng lại nghỉ một đêm.

“Tối đó có dư chấn, rung lắc dữ dội. Mọi người đang ngủ bỏ chạy ra ngoài, riêng tôi do quá mệt nên vẫn ngủ say. Sáng dậy thì thấy mọi người ngủ gà gật ở bên ngoài”, Giang Hoàng kể lại.

Cả đoàn tiếp tục đi lên Annapurna Base Camp ở độ cao 4.130 mét. Do sạt lở, đường đi phía trước khá hẹp. Tuy nhiên, không hẳn không còn đường đi như mọi người nói, nếu quan sát kỹ vẫn thấy có đường đi lên. Để an toàn, cả đoàn bỏ hết balô bên ngoài, chỉ mặc áo lạnh và mang theo nước rồi tiến vào trong. Ròng rã mấy ngày, cuối cùng cũng tới được nơi cần đến.

Quay trở lại thành phố, dù khi đó chính phủ đã dọn dẹp bớt, nhưng cảnh tượng tan nát vẫn bao trùm. Giang Hoàng không còn nhận ra Nepal xinh đẹp mấy ngày trước.

“Nhìn cảnh tượng hoang tàn sau trận động đất, tôi nhận thấy cuộc sống quá vô thường, tự nhủ với bản thân luôn tử tế với người khác. Chúng ta không biết được liệu đó có phải lần cuối mình trò chuyện với họ. Có thể tôi sẽ ra đi, hoặc họ ra đi. Không ai biết trước được điều gì cả”, Giang Hoàng chia sẻ quan điểm sống của mình sau trận động đất.

Người vượt sông băng và mê đắm dải sao trên trời

Giang Hoàng chọn leo núi để thỏa chí du ngoạn. Anh cho biết ban đầu mê chụp ảnh, đi núi thấy chụp đẹp hơn. Để leo núi lại cần sức khỏe nên anh lại lao vào tập thể thao. Khi tập với cường độ mạnh, anh lại muốn đẩy giới hạn bản thân nên leo cao, đi xa hơn, đến những nơi kỳ vĩ, ngoạn mục.

Giang Hoàng cũng thừa nhận mình mê cảm giác đứng giữa muôn trùng núi non, không gợn tiếng ồn, chỉ có tiếng bước chân. Thỉnh thoảng hạ trại lại nghe vài tiếng cười nói, ngựa hí, tiếng chuẩn bị bếp núc. Đêm nằm xuống, chỉ cần mở nắp lều lên là nhìn thấy cả một bầu trời đầy sao, thứ vốn thuộc về tự nhiên nhưng lại chẳng bao giờ có thể nhìn thấy được ở thành phố sầm uất vì ô nhiễm ánh sáng.

Giang Hoàng còn thích đi qua sông băng, có hôm còn nhảy xuống dòng sông lạnh giá chỉ để cảm nhận rõ sự tự do tự tại. Nhưng cũng chính những dòng sông băng này, anh mới càng ý thức rõ hơn sự thay đổi của môi trường và ảnh hưởng rõ rệt sự nóng lên của trái đất.

Có lần Giang Hoàng cùng đoàn người chuẩn bị vượt sông băng. Nếu như những lần trước sông đóng băng cứng để mọi người qua an toàn, thì hành trình lần này trên sông lại có tuyết rơi. Đối với những người leo núi mạo hiểm, khi có tuyết rơi nghĩa là thời tiết không lạnh lắm, đồng nghĩa với việc băng mỏng hơn mọi năm. Chưa kể cơn bão tuyết vừa quét qua khiến cho đoàn người thám hiểm không nhìn được mức độ đông cứng của băng. Họ vẫn có thể đi vào trong, nhưng không chắc băng vẫn đủ cứng để quay trở ra. Dự kiến với tình trạng này thì năm 2030 khu vực này sẽ không còn tuyết nữa.

Bởi vậy khi trở về Việt Nam, Giang Hoàng rất ý thức trong việc kêu gọi bảo vệ môi trường, và tham gia các hoạt động giúp mọi người hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của việc nóng lên của trái đất.

chang-trai-viet-7-lan-leo-day-himalaya-va-khat-vong-den-cuc-bac-2

Cảnh sao trời ban đêm khi dựng trại nghỉ chân. Ảnh: NVCC.

Giấc mơ chinh phục cực Bắc

Thử thách bản thân với 7 lần leo dãy Himalaya dường như chưa đủ với Giang Hoàng. Anh đang ra sức “chạy đua” trong một cuộc thi để có thể biến giấc mơ đặt chân đến cực Bắc của mình thành hiện thực. Nếu may mắn chiến thắng, anh muốn mang theo những hạt cacao, cà phê Việt để giới thiệu đến bạn bè thế giới.

Giấc mơ đến cực Bắc của Giang Hoàng nung nấu từ rất lâu, bởi những bộ phim anh xem lúc nhỏ, khi có những đoàn người thám hiểm sáng tối bên nhau, học được kỹ năng dựng trại trong tuyết hay đào tuyết vùi mình ngủ sao cho ấm. Tuy nhiên, mục đích lớn hơn của Giang chính là được trải nghiệm thực tế, kêu gọi sự quan tâm cho các hoạt động bảo vệ môi trường và truyền cảm hứng sống tự do, có mục đích cho các bạn trẻ hơn.

Dự định của Giang Hoàng trong tương lai là tổ chức những workshop, sách, video về bộ môn leo núi cho người say mê. Vì đối với anh, mọi kỹ năng anh học được từ leo núi (bao gồm trekking và climbing) đều có thể áp dụng vào cuộc sống.

Những lưu ý khi leo núi:

Leo núi thường có hai hình thức trekking và climbing. Trekking là hành trình đi khá dốc, nhưng không cần dụng cụ bảo hộ chuyên dụng; climbing thì cần dây, những món đồ thiên về kỹ thuật như giày đinh để bám chắc vào bề mặt.

Khi leo núi trên 3.000 mét sẽ bắt đầu bị say độ cao, cứ thêm 500 mét phải nghỉ lại một ngày, nếu không cơ thể sẽ khó thích nghi, oxy càng lên cao càng giảm, áp suất trong không khí cũng bớt đi, trời rất lạnh.

Để việc leo núi thuận tiện, người leo cần tập các môn thể thao như chạy bộ, đạp xe, bơi lội để tăng sức bền. Trước khi leo cần uống đủ nước để không bị say độ cao và mang theo mật ong uống để sát trùng cổ họng, tránh bị viêm.

Nguyên tắc “cố thêm chút nữa” luôn được dân leo núi áp dụng. Bởi đôi khi bạn sẽ bị mệt và có cảm giác muốn bỏ cuộc, nhưng chỉ cần cố thêm chút nữa, bạn sẽ chinh phục được hành trình dài hơi mình đã đề ra ban đầu.

Đừng chọn những dịch vụ leo núi rẻ tiền mà nên cân nhắc hợp lý, bởi quan trọng không phải là việc lên đến đích, mà chính là việc trở về.

Xem thêm: 48h sống sót qua bão tuyết của cô gái Việt trên dãy Himalaya

Thảo Nghi

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top