Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) vừa lắp đặt xong hệ thống thiết bị tầm soát ung thư đại trực tràng của Nhật, mua 100.000 test để triển khai thí điểm. Dự kiến bắt đầu triển khai tầm soát từ giữa tháng 12.
Để hoạt động tầm soát hiệu quả, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở Y tế cùng với tất cả bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa và trạm y tế phường xã thực hiện. Người dân lấy mẫu phân tại nhà gửi đến Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội để xét nghiệm. Trung tâm gửi trả kết quả về các cơ sở y tế đã lấy mẫu.
Nếu mẫu xét nghiệm bình thường, người dân được khuyến cáo tái kiểm tra sau 6 đến 12 tháng. Mẫu dương tính, để xác định chắc chắn có mắc bệnh hay không và mức độ nào, người dân đến Trung tâm để tiến hành các bước chẩn đoán tiếp theo như nội soi đại tràng…
Mức giá cho một xét nghiệm mẫu là 63.000 đồng, trong khi giá tại Singapore quy đổi tiền Việt hơn 300.000 đồng, tại Mỹ gần 600.000 đồng. Người có thẻ bảo hiểm y tế có thể tầm soát miễn phí.
Theo ông Chung, với công suất 320 test mỗi giờ và 1,5 triệu dân tuổi 40-65, trong 5 năm tới Hà Nội có thể phòng ngừa cho 5.000-10.000 người không mắc ung thư mỗi năm và hàng nghìn người sẽ được cứu chữa kịp thời. Dự kiến việc tầm soát này sẽ mở rộng cho gần 2 triệu người Hà Nội trên 40 tuổi - độ tuổi được khuyến cáo tầm soát ung thư đại trực tràng. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng hay polyp trong đại trực tràng, từng bị viêm ruột mãn tính, viêm loét đại trực tràng, phân đi ngoài ra máu... nên tầm soát sớm hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo đây chỉ là xét nghiệm tầm soát ban đầu để phát hiện nguy cơ có bệnh hay không, không phải xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng phổ biến, xếp thứ ba ở nam, thứ tư ở nữ giới. Ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm vài chục nghìn người mắc bệnh ung thư đại trực tràng, trong số đó chỉ khoảng 1/3 được chẩn đoán sớm và hơn 30% sẽ tử vong. Phần lớn ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ các polyp lành tính trong ruột. Theo thời gian, một vài polyp có thể hóa ác trở thành ung thư.
Tầm soát bệnh có nhiều mức độ, định kỳ kiểm tra ở một trung tâm nào đó nếu có những rối loạn cần tầm soát chuyên sâu. Tầm soát có thể thực hiện ngay tại các cơ sở khám bệnh thông thường như xét nghiệm máu, nội soi đường tiêu hóa; nếu nghi ngờ có thể sinh thiết và siêu âm nội soi. Nội soi là biện pháp tầm soát và đồng thời chẩn đoán xác định bệnh tốt nhất, cũng như có thể cắt bỏ luôn polip trong quá trình nội soi để phòng tránh phát triển thành ung thư.
Phương Trang
>> Xem thêm:
- 8 câu hỏi giúp bạn thêm kiến thức phòng tránh ung thư
- Người bị ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ
Post a Comment