Ngày 10/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm trạm y tế xã Yên Tập - xã thuộc diện đặc biệt khó khăn ở Phú Thọ. Trạm y tế xã có phòng đẻ, phòng chờ đẻ riêng nhưng có vẻ khá lâu không được sử dụng. Bàn đẻ, trang thiết bị phủ vải trắng, theo nhân viên y tế của trạm cả năm nơi đây không đỡ được ca đẻ nào. Mỗi tháng trạm cũng chỉ có 28 lượt người đến khám.
Lý do là Bệnh viện huyện Cẩm Khê chỉ cách đó 3 km, cộng thêm quy định thông tuyến huyện nên người bệnh đi thẳng lên tuyến huyện mà không qua trạm y tế chuyển tuyến. Năm 2015, trạm thực hiện chuyển tuyến cho 867 trường hợp, năm nay chỉ có 36 ca.
Trạm trưởng Phan Kim Ninh cho biết, trạm y tế có 5 biên chế (một bác sĩ) cùng 7 cộng tác viên y tế thôn bản chăm sóc sức khỏe cho trên 4.500 người. Công việc chủ yếu liên quan tiêm chủng, tuyên truyền kiến thức, thay y tế học đường khám sức khỏe cho học sinh, dự phòng…
Phòng đẻ của trạm y tế xã Yên Tập từ lâu không được sử dụng. Ảnh: N.Phương. |
Ngược lại với khung cảnh vắng vẻ của trạm y tế xã, Bệnh viện huyện Cẩm Khê được xây dựng khá khang trang, quy củ với tòa nhà 5 tầng tấp nập người dân đi khám điều trị. Bệnh viện có cả phòng tự nguyện với giá 600.000 đồng một phòng 2 hoặc 3 giường, nhà vệ sinh khép kín.
Làm việc với tỉnh Phú Thọ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tầm quan trọng của trạm y tế xã, với vai trò y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo ông, hiện nay sức khỏe người Việt có nhiều cải thiện, tuy nhiên tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn rất cao. Tuổi thọ tăng nhưng số năm sống khỏe ít, người dân mắc quá nhiều bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với nhân viên y tế trạm y tế xã. Ảnh: N.Phương. |
“Vai trò trạm y tế xã, y tế cơ sở là chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân, làm sao để từng người dân được chăm sóc như là có bác sĩ riêng, từ khi còn trong bào thai, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng Phú Thọ nên là một trong những tỉnh tiên phong lập sổ theo dõi cho 1,3 triệu dân của tỉnh. Chính cán bộ y tế ở trạm y tế, trung tâm y tế huyện là những người trực tiếp quản lý sức khỏe cho mỗi người dân: khám định kỳ, cập nhật sức khỏe, tư vấn, lưu ý ăn uống khi có bệnh tiểu đường, huyết áp... Khi người dân có bệnh, nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu họ đi chuyên khoa nào, lên bệnh viện nào, thậm chí bác sĩ nào.
Bệnh viện huyện Cẩm Khê được xây dựng khá khang trang. Ảnh: N.Phương. |
Để làm được điều này, Phó thủ tướng cho rằng tỉnh Phú Thọ cần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (từ 85% hiện nay lên 100%). Bảo hiểm y tế sau này sẽ không chỉ chi trả chi phí khám chữa bệnh mà khoán y tế cơ sở theo dõi sức khỏe cho từng người dân, chi cho y tế dự phòng, khám định kỳ.
Hiện nay, trong tổng chi của bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế thì tuyến xã chỉ chiếm 3%, huyện 30%, còn lại là tuyến tỉnh và trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cam kết sẽ xây dựng và triển khai khai đề án trong thời gian sớm nhất, mở rộng đến tất cả các xã/phường. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng hệ thống y tế hiệu quả, hoàn thiện cả điều trị lẫn dự phòng, cả tuyến trên lẫn y tế cơ sở, thôn bản, y tế học đường.
Nam Phương
Post a Comment