Bộ Y tế đang soạn dự luật về máu và tế bào gốc, quy định về vận động hiến máu và tế bào gốc; quản lý, sử dụng máu và chế phẩm máu; quản lý, sử dụng tế bào gốc; xuất khẩu, nhập khẩu máu và tế bào gốc.

Mới đây, Bộ có dự thảo tờ trình Thủ tướng, gửi Bộ Tư pháp thẩm định về dự thảo. Trong dự thảo tờ trình, Bộ Y tế nêu rõ bối cảnh xây dựng Luật, tình trạng khan hiếm máu phục vụ điều trị bệnh nhân hiện nay; đồng thời đưa ra hai giải pháp để tham khảo. Thứ nhất là bắt buộc công dân hiến máu mỗi năm một lần (trừ một số trường hợp đặc biệt). Giải pháp thứ hai quy định hiến máu là hoạt động tự nguyện. Cũng trong tờ trình, Bộ nêu quan điểm ủng hộ hiến máu tự nguyện và khẳng định đưa phương án này vào dự luật. 

Bộ Y tế giải thích, phương án hiến máu tự nguyện "phù hợp với thực tiễn, với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém cho Nhà nước và xã hội". Các quốc gia có Luật về máu cũng không quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khẳng định trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu năm một lần mà vẫn trên cơ sở hiến máu tình nguyện. Quan điểm xây dựng luật hiện nay là phải dựa trên bằng chứng về mặt khoa học. Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tự nguyện nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tự nguyện là tối ưu thì phải đưa ra giả định. Trường hợp này giả định là hiến máu bắt buộc.

“Nếu bắt buộc hiến máu là liên quan đến quyền con người, không dễ gì bắt buộc được. Tham khảo luật pháp quốc tế thì cũng không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Quang phân tích, nếu quy định bắt buộc thì với 90 triệu dân Việt sẽ có 46 triệu người phải hiến máu. Như thế nước ta sẽ có nguồn máu đầy đủ và ổn định, song lượng dư thừa khá lớn. Ngoài ra, nếu hiến máu bắt buộc thì một năm cả nước tiêu tốn 4.180 tỷ đồng, trong khi hiến máu tình nguyện như hiện nay với 18,2 triệu người hiến thì chi phí là 2.000 tỷ. Trong khi đó, việc hiến máu tình nguyện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh. Năm 2016 cả nước tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu, 1,52% dân số hiến máu. Khi tỷ lệ 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân.

Trong dự thảo, được đăng toàn văn trên Cổng thông tin của Quốc hội, nêu rõ, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là "Ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu hoặc tế bào gốc". Người tự nguyện hiến máu sẽ được cung cấp miễn phí số lượng máu tương ứng số máu đã hiến khi có nhu cầu sử dụng; được nghỉ một buổi làm việc để đi hiến máu và nghỉ một buổi làm việc sau khi hiến máu. Người hiến máu có nghĩa vụ cung cấp trung thực thông tin liên quan đến sức khỏe của mình trước khi hiến máu và tế bào gốc.

Dự kiến Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật này vào kỳ họp thứ 7 năm 2018 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2018.

bo-y-te-khong-de-xuat-bat-buoc-cong-dan-hien-mau-hang-nam

Hiện nay việc hiến máu tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Ảnh: N.P.

Hiện nay, việc hiến máu tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Trung bình mỗi năm một người hiến máu toàn phần tối đa 4 lần.

Máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người. Các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Vì thế, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các nước đang phát triển cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Việt Nam với khoảng 90 triệu dân mỗi năm cần 1,8 triệu đơn vị máu. Thực tế hiện nay lượng máu thu được chỉ đáp ứng 45% nhu cầu của bệnh nhân ở các cơ sở y tế.

Để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, Chính phủ các nước đã ban hành Luật hiến máu hoặc các luật khác có liên quan đến hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Sau khi luật hiến máu được ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị ở những quốc gia này đã cơ bản được giải quyết.

Nam Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top