Trong cuộc trò chuyện với báo Người Đưa Tin, bà đã trải lòng về những năm tháng hào hùng ấy, tình yêu thiêng liêng dành cho Tổ quốc và cả những trăn trở về nền âm nhạc hiện tại của nước nhà.

Hát về người lính mà không gặp họ thì cảm xúc sẽ là sáo rỗng

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nghệ sĩ Thu Hiền đã mang giọng hát của mình đến với nhiều mặt trận. Bà hãy chia sẻ đôi điều về thời kỳ ấy?

Tôi cũng như những người nghệ sĩ sống trong thời kỳ đó, đều không thể quên được những ngày tháng máu đổ, bom rơi, đi hết mặt trận này đến địa bàn khác để mang tiếng hát của mình, phục vụ cho các chiến sĩ. Tiếng hát từ trái tim của những người nghệ sĩ đã phần nào đó giúp các chiến sĩ vững tin chiến đấu.

Tôi luôn nghĩ rằng, nếu hát về người lính mà không đến gặp họ, chứng kiến những hy sinh, gian khổ của họ thì cảm xúc mình đặt để thể hiện qua từng ca khúc sẽ là sáo rỗng.

Giải trí - NSND Thu Hiền: Mang tiếng hát đến khắp mặt trận vì “mắc nợ” người lính

Trong thời bom đạn ác liệt, NSND Thu Hiền đã mang tiếng hát của mình đến nhiều mặt trận. 

Bà đã từng nghĩ mình mắc nợ những người lính. Tại sao lại như vậy?

Sự nghĩa tình, chung lưng đấu cật của người lính ở những nơi đã đến chính là nguồn động lực lớn lao để tôi hát và nuôi dưỡng cảm xúc. Nụ cười rạng rỡ của chiến sĩ bắn rơi một chiếc máy bay, ánh mắt lưu luyến của người lính khi phải chia tay đồng đội là điều mà tôi luôn ám ảnh và nghĩ mình “mắc nợ” họ. Tôi tự nhủ với chính mình rằng, để có được ngày hôm nay, chúng ta không bao giờ được phép quên lãng những con người đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa, Tổ quốc cũng đã bước sang trang mới. Tất cả những điều đó giờ đã trở thành lịch sử. Lịch sử là điều bất kỳ ai trong chúng ta cũng không thể quên được nhưng thiết nghĩ, mình cần phải bước tiếp để hội nhập.

Ở thời điểm đó, tình yêu trai gái chắc hẳn đã bị lu mờ trước tình yêu đất nước phải không, thưa bà?

Tất nhiên rồi, khi đất nước có chiến tranh chúng ta cần phải gác lại tình cảm cá nhân để lo cho công việc của đất nước. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng mà mỗi người con của đất nước luôn sẵn sàng đón nhận.

Ngày mùng 2/9 đã đến gần, bà hãy chia sẻ đôi điều với những khán giả yêu mến giọng hát Thu Hiền?

Ngày Quốc khánh, ai cũng có những xúc cảm dâng trào về niềm tự hào dân tộc. Trong ngày 2/9, tôi được báo Quân đội Nhân dân mời hát cho một chương trình truyền hình trực tiếp tại Nhà hát Lớn. Hôm đó, tôi sẽ hát 2 bài hát đi cùng với những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đó là bài Đường cày đảm đang và Lời ca dâng Bác. Qua 2 bài hát này, tôi muốn truyền tới thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng.

Không nên đặt các dòng nhạc lên bàn cân, so sánh với nhau

Là người đã gắn bó với dòng nhạc đỏ từ khá lâu bà đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh của dòng nhạc này với các dòng nhạc khác đang được giới trẻ yêu thích như nhạc Pop hay Ballad?

Tôi nghĩ, là một người nghệ sĩ, mình cần hoàn thành tốt công việc của bản thân. Khi đã xác định dòng nhạc theo đuổi, mình cứ phát triển nó và sẽ có đối tượng khán giả của riêng mình. Không nên mang các dòng nhạc ra so sánh, cạnh tranh hay nâng lên đặt xuống.

Bởi, nghệ thuật là trăm hoa đua nở. Đất nước mình cũng đổi mới, chúng ta cần phải du nhập những điều mới mẻ, trẻ trung để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của tất cả mọi người.

Giải trí - NSND Thu Hiền: Mang tiếng hát đến khắp mặt trận vì “mắc nợ” người lính (Hình 2).

NSND Thu Hiền là một trong những nữ ca sĩ nhận được nhiều tình cảm yêu mến của công chúng yêu nhạc.

Thế hệ của chúng tôi sẽ truyền lại ngọn lửa đam mê cho lớp trẻ, mỗi bạn đi theo các dòng nhạc khác nhau lại tiếp tục truyền ngọn lửa nghệ thuật, sức mạnh tuổi trẻ đến những thế hệ sau nữa. Việc phát triển tất cả các dòng nhạc sẽ bổ trợ và giúp ích cho nhau. Vì vậy, chúng ta không nên đề cao suy nghĩ, đâu là dòng nhạc hay hơn, có sức nặng hơn.

Gần đây, ca sĩ Tùng Dương bị nhiều người chỉ trích khi phát ngôn "già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi". Chị đánh giá như thế nào về quan điểm của "đàn em"?

Tôi nghĩ, việc nhận xét, đánh giá nên để cho công chúng làm. Tôi là NSND cho nên khi phát biểu, nhận xét về Tùng Dương cần phải biết chính xác, em ấy đã nói cụ thể như thế nào, câu nói được đặt trong bối cảnh cụ thể ra sao. Bởi, biết đâu đó, đây là một người dám nói ra những suy nghĩ, ý kiến của mình thì sao? Thế hệ trẻ hiện nay, các bạn đều có suy nghĩ riêng, quan điểm riêng và chính kiến riêng trước mỗi vấn đề.

Theo chị, Tùng Dương có đáng bị dư luận chỉ trích, ném đá? 

Tôi nghĩ, Tùng Dương không đáng bị ném đá. Bởi, là nghệ sĩ, Tùng Dương có quyền đưa ra nhận xét của mình. Tùng Dương tuy trẻ nhưng em ấy đã xác định được dòng nhạc cho riêng mình. Cách Tùng Dương theo đuổi âm nhạc cũng rất chính ca, ẩn chứa tình yêu quê hương, đất nước. Hơn hết, tôi đánh giá cao Tùng Dương.

Cùng với Tùng Dương, tôi dùng từ trân trọng để nói về thế hệ kế cận mình như Trọng Tấn, Anh Thơ, Việt Hoàn, Đăng Dương,... Tôi vẫn thường đi mua đĩa của các em về để nghe. Tôi nghe xem thế hệ trẻ hát gì, nghe để hòa nhập với các bạn, để chúng tôi dù trẻ hay già đều sẽ truyền sức mạnh cho nhau thay vì lên án, phê phán.

Cảm ơn sự chia sẻ của NSND Thu Hiền!

Tiến Dũng

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top