Quả na (hay còn gọi là mãng cầu ta) là một trong những trái cây nhiệt đới ngon có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ. Hiện nay, loại quả vừa ngon vừa bổ cho sức khỏe này đã được trồng phổ biến khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vào mùa na, người Việt luôn lựa chọn những trái na to tròn, thơm ngọt dành cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng, không phải ai cũng có thể ăn na và ăn như thế nào để không gây hại cho sức khỏe. Sau đây, Ths. Lý Tuấn Kiệt - Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM sẽ chỉ ra những chất dinh dưỡng có trong quả na và sai lầm nguy hại sức khỏe khi ăn na.
Na giàu chất dinh dưỡng
Theo Ths. Lý Tuấn Kiệt, thành phần dinh dưỡng trong 100g thịt na gồm các chất dinh dưỡng: protein (1,6g); gluxit (14,5g); xenlulozơ (0,8g); canxi (35mg); photpho (45mg); vitamin C (36mg) và năng lượng, nước. Ngoài ra, trái na chứa nhiều vitamin nhóm B tốt cho sức khỏe.
Na chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe (ảnh minh họa)
“Quả na chứa rất nhiều vitamin C. Trung bình, một trái na có thể cung cấp 1/5 lượng vitamin C cơ thể cần mỗi ngày. Nhờ đó, nó rất hữu ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch của con người. Đồng thời, nó còn cung cấp kali, chất xơ, carbohydrates và khoáng chất thiết yếu có lợi, nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể”, Ths. Lý Tuấn Kiệt cho biết.
Đặc biệt, na không chứa chất béo bão hòa và cholesterol, hàm lượng natri thấp nên phù hợp với những người ăn kiêng hoặc đang có ý định giảm cân.
Những sai lầm nguy hại sức khỏe khi ăn na
Ths. Lý Tuấn Kiệt khẳng định: “Khi ăn na, người thưởng thức cần phải có những lưu ý nhất định để không ảnh hưởng đến sức khỏe như không được cắn vỡ hạt, không nên ăn na ương, hay chín quá dễ sinh dòi bên trong,…”
Cắn vỡ hạt na
Theo y học cổ truyền, hạt của trái na có độc tố rất cao, được dùng làm thuốc diệt côn trùng, chấy rận. Tuy nhiên, người ăn vô tình nuốt phải hạt sẽ không hề ảnh hưởng đến sức khỏe vì hạt na có vỏ dày và cứng bao bọc, nhưng nếu cắn vỡ hạt na lại là chuyện khác.
“Nếu người ăn cắn vỡ hạt na, độc tố trong nhân hạt dễ phát huy tính bỏng, gây nguy hại cho cơ thể. Đặc biệt, mọi người tuyệt đối không để hạt na bắn vào mắt. Vì thế, khi ăn na, mọi người cần chú ý tránh cắn vỡ hạt na, nhất là trẻ nhỏ”, Ths. Lý Tuấn Kiệt chỉ rõ.
Ăn na ương, na có giòi
Na ương chứa nhiều chất tannin khiến vị của nó không ngọt và gây hại cho sức khỏe con người. Ths. Lý Tuấn Kiệt cho hay, tannin trong trái na ương kết hợp với thức ăn tạo nên hợp chất có tính loại trừ khiến hệ thống tiêu hóa ứ đọng, thức ăn khó hấp thụ,…
Na ương chứa nhiều chất tannin khiến vị của nó không ngọt và gây hại cho sức khỏe con người (ảnh minh họa)
Người đang uống thuốc ăn na ương khiến tác dụng của thuốc bị hạn chế và gây hại cho gan. Do vậy, mọi người chỉ nên ăn những trái na chín và không ăn na ương. Tuy nhiên, chị em nội trợ khi mua na cần tránh chọn quả chín quá, bởi dễ có giòi bên trong. Khi ăn chúng, cơ thể sẽ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn na
Theo Ths. Lý Tuấn Kiệt, quả na chứa hàm lượng đường rất cao (72% glucose và 14,52% saccharose). Vì vậy, na không thích hợp cho những người tiểu đường.
Ngoài ra, ăn nhiều na có thể khiến người yêu thích loại quả này bị táo bón, nóng trong người. Trùng bình, mỗi người chỉ nên ăn khoảng 1-2 trái na/ngày.
Lời khuyên của chuyên gia - Người có cơ địa nóng, thường xuyên bị mọc mụn và táo bón cần hạn chế ăn na. - Người bị tiểu đường, nhất là phụ nữ mang thai có tiền sử tiểu đường tuyệt đối không được ăn na. - Không nên cắn vỡ hạt na khi ăn, cần nhằn hột khéo léo. - Trái na có nhiều vẩy trắng, vết nứt nẻ hoặc chảy nước, mắt thâm đen hoặc có giòi cần phải loại bỏ. |
Post a Comment