Thứ ba, 20/9/2016 | 15:30 GMT+7
Từng là nơi trú ẩn của nhiều người nổi tiếng, hầm dưới khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội là nơi gây tò mò cho những người không có điều kiện vào xem.
Căn hầm trú ẩn dưới khách sạn được phát hiện từ năm 2011 trong khi nhóm công nhân cải tạo quán bar, đào sâu vào lòng đất 2 m. Đến 21/5/2012, nơi này mở cửa và chỉ dành cho khách ở tại khách sạn tham quan.
Mỗi ngày có hai tour đưa khách tham quan hầm, mỗi tour tối đa 10 người. Tour mang tên Con đường lịch sử và được hướng dẫn bởi nhân viên khách sạn. Căn hầm được bảo tồn nguyên vẹn từ khi được phát hiện với 6 cửa sắt, hai cửa gỗ, nắp thông hơi, ống thông khí, bốn bảng điện và 12 bóng đèn.
Hầm có trần cao hơn 2 m, 6 phòng với hai lối vào, một lối bên dưới hồ bơi và một thông ra trung tâm khách sạn. Nơi này từng là nơi tránh bom của nhiều nhân vật nổi tiếng từ năm 1960 đến 1972, trong đó có diễn viên Jane Fonda, nhà hoạt động chống chiến tranh Tom Hayden, nhà ngoại giao Australia Bob Devereaux...
Lối xuống hầm và hành lang nối giữa các phòng nhỏ, hẹp và tối. Do đó, để thuận tiện cho khách tham quan, căn hầm được lắp đặt lại hệ thống thông hơi và điện.
Trước đây, hệ thống thông hơi của hầm đã được bố trí, đảm bảo không khí cho 40 khách xuống trú bom. Có những ngày, mọi người xuống trú bom đến 6 lần hoặc phải nghỉ lại qua đêm.
Trên hình là bút tích của nhà ngoại giao Australia Bob Devereaux. Ông viết tên mình lên bức tường căn hầm khi trú ẩn vào ngày 17/8/1975. “Có thể lúc đấy tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện đóm và không có gì để làm nên trong lúc mò mẫm chai rượu tôi đã tiện tay khắc tên mình lên bức tường đó. Tôi không biết căn hầm bị đóng lại, bởi khi tôi rời Hà Nội năm 1976 thì hầm vẫn mở cửa”, Bob Devereaux kể lại.
Sau khi hầm được phát hiện, đội kỹ thuật đã phải bơm hết nước bên trong và thấy nhiều món đồ, trong đó có một chai rượu cũ đã cạn và một bóng đèn còn nguyên vẹn.
Trong một phòng thuộc căn hầm này, ca sĩ Mỹ Joan Baez đã ghi âm một phần ca khúc "Where are you my son" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mùa đông năm 1972. Tựa ca khúc được bà đặt từ lời than khóc của một bà mẹ mất đứa con trai duy nhất trong chiến dịch đánh bom của Mỹ nhằm vào Hà Nội.
Năm 2013, hầm tránh bom của khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội được trao giải Danh dự về bảo tồn di sản văn hóa. Hội đồng giám khảo đánh giá cao việc bảo tồn và khôi phục căn hầm tránh bom bị lãng quên trong nhiều thập kỷ.
Ảnh: Giang Huy
Vy An |
Post a Comment