Suy nhược thần kinh và mất ngủ liên tục vì stress, bệnh nhân trải qua thời gian dài dùng thuốc an thần để ngủ. Ngày 13/9, gia đình phát hiện chị ngủ mê, lay gọi không tỉnh, bên cạnh là 7 viên thuốc ngủ đã bóc vỏ. Điều trị tại An Giang không cải thiện, bệnh nhân được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp phải thở máy qua ống nội khí quản.

Ảnh: advocate.

Người mắc hội chứng trái tim tan vỡ có vùng mõm tim phình to, bất động. Ảnh: advocate.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết ban đầu tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, các bác sĩ cho bù dịch để kiểm soát. Tối 16/9, bệnh nhân đột ngột hạ huyết áp nhanh, nhịp tim nhanh, phổi có tình trạng trào bọt hồng qua ống nội khí quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy men tim tăng cao. Các bác sĩ hội chẩn liên chuyên khoa khẩn cấp, chẩn đoán bệnh cảnh nhồi máu cơ tim do có choáng tim, phù phổi cấp. Bệnh nhân phải dùng hai loại thuốc vận mạch liều cao, thở máy chế độ ưu tiên 100%. Bác sĩ quyết định sẽ can thiệp mạch vành để cứu tính mạng bệnh nhân.

"Tình trạng rất nguy kịch. Việc di chuyển bệnh nhân từ khoa điều trị đến phòng thông tim rất khó khăn, nguy cơ tử vong trên đường di chuyển cũng như trong lúc can thiệp", bác sĩ Linh chia sẻ. Nhờ thêm sự quyết tâm đến cùng của người nhà, bệnh nhân được can thiệp mạch vành đêm 16/9. Tuy nhiên, không thấy hiện tượng tắc bất kỳ mạch vành nào như dự đoán, thay vào đó các bác sĩ ghi nhận vùng mõm tim phình to và vô động, vùng đáy tim lại tăng động. Đây là biểu hiện điển hình của bệnh cơ tim do stress, gọi là hội chứng "trái tim tan vỡ".

Các bác sĩ quyết định tiến hành chạy ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) ngay trong đêm, giải pháp duy nhất để cứu bệnh nhân lúc này. Để vận hành giải pháp này, phải có ít nhất là 4 bác sĩ, chưa kể các kỹ thuật viên, điều dưỡng. "Bệnh cảnh 'trái tim tan vỡ' nếu dùng thuốc vận mạch vô tình có thể làm tình trạng cơ tim tiếp tục nặng nề hơn. Khi chạy ECMO, máy thay thế để cho trái tim nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến lúc hồi phục", bác sĩ Linh phân tích.

Sau gần 90 giờ chạy hệ thống, tình trạng bệnh nhân ổn, hiện đã tỉnh táo, huyết động ổn định. Hội chứng này diễn tiến cấp tính nhưng may mắn là cơ hội hồi phục cao, nếu được điều trị kịp thời thì tim có thể trở về bình thường. Tuy nhiên sau này nếu không giải quyết được stress hoặc gặp biến cố khác thì có khả năng tái phát khoảng 10%. Hội chứng dễ gây nhầm lẫn với nhồi máu cơ tim. Chẩn đoán xác định để loại trừ là chụp mạch vành. 

Hội chứng "trái tim tan vỡ" được phát hiện lần đầu vào những năm 1990 tại Nhật Bản. Bệnh lý xảy ra chủ yếu ở phụ nữ, nhất là giai đoạn suy giảm nội tiết tố, bệnh nhân có tiền căn trầm cảm, cú sốc chia tay, mất người thân, tình yêu tan vỡ... Khi đó những hormone căng thẳng phóng thích nhiều làm tim hoạt động quá mức, gây phì đại vùng thất trái, tim suy giảm chức năng nhanh chóng, có thể gây tử vong. Tùy mỗi người sẽ có những mức độ biểu hiện nặng nhẹ khác nhau.

Theo bác sĩ Linh, rất khó để nói đến việc phòng ngừa vì các cú sốc tâm lý, căng thẳng không biết đến từ lúc nào. Điều cần thiết là mỗi người cần giữ trái tim khỏe mạnh bằng cách tránh thừa cân béo phì, tránh mỡ trong máu, không hút thuốc, hạn chế rượu bia... Khi có cú sốc phải giữ được sự vững vàng, cần tìm đến chuyên gia tâm lý để được điều trị, giải tỏa kịp thời lúc gặp chuyện đau buồn.

Lê Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top