Phòng phẫu thuật Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 23/8/2017 tiếp nhận cặp song sinh dính nhau vùng cùng cụt đầu tiên của Việt Nam trong 40 năm qua. Hơn một năm kể từ khi chào đời, đến lúc này hai bé Bảo Ân, Bảo Hân mới có đủ sức khỏe cho ca mổ tách được lường trước là hết sức khó khăn.

Một trong những quyết định quan trọng của kíp mổ này là chọn tư thế gây mê và phẫu thuật nào cho hai bé đang dính ở tư thế đâu lưng vào nhau. Các bác sĩ đã tranh luận gay gắt rằng nên để hai cháu nằm ngửa hay nằm sấp khi thao tác phẫu thuật. Thành công của ca mổ được xác định là sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tư thế nằm của các cháu khi phẫu thuật. Bác sĩ Phan Thị Minh Tâm, người từng phụ trách gây mê nhiều ca phẫu thuật tách song sinh của bệnh viện, khi ấy đã nghỉ hưu hai năm, được mời trở lại tham gia.

“Đây là ca mổ nhiều thử thách với kíp gây mê”, bác sĩ Tâm chia sẻ. Nếu các bé nằm tư thế sinh lý bình thường, việc gây mê dễ dàng hơn nhưng sẽ không thể mổ tách được vì phần dính hốc vị nằm bên dưới nhiều. Phẫu thuật viên không thể thám sát đầy đủ ở tư thế bệnh nhân nằm ngửa. Ở tư thế bệnh nhân nằm sấp, quá trình gây mê sẽ khó khăn khi thông khí cho hai bé, nguy cơ một trong hai cháu không thở được.

Trải hơn 11 giờ căng thẳng với hàng loạt quyết định khó khăn, hai bé Bảo Ân, Bảo Hân được tách rời thành công để có cuộc đời mới. Đây là một trong 5 ca song sinh dính nhau phức tạp mà bác sĩ Tâm tham gia. Sát cánh cùng các phẫu thuật viên, kíp gây mê hồi sức của bác sĩ Tâm đã góp phần tạo nên những dấu ấn lớn cho ngành y Việt Nam, giúp các bé có cuộc sống riêng rẽ khỏe mạnh.

Bác sĩ Minh Tâm gây mê cho bệnh nhân trong phòng mổ. Ảnh: M.T

Bác sĩ Minh Tâm đảm nhận công việc gây mê cho bệnh nhân trong phòng mổ. Ảnh: M.T

Hơn 30 năm chọn gắn với nghề “đi trước về sau” trong các cuộc phẫu thuật, bác sĩ Tâm đã tham gia gây mê hàng chục nghìn bệnh nhi. Tốt nghiệp đại học năm 1986 đã về làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nữ bác sĩ nguyên trưởng khoa gây mê hồi sức này có cơ duyên được gắn bó trọn vẹn với trẻ em.

Năm 1988, ca tách song sinh Việt - Đức đầu tiên Việt Nam diễn ra thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bác sĩ Tâm khi ấy về bệnh viện chưa lâu, đang mang thai nên không tham gia trực tiếp, nhưng đã học hỏi cách chuẩn bị chu đáo của các y bác sĩ. Sau ca mổ huyền thoại tạo được tiếng vang rộng rãi trên thế giới, Pháp tổ chức nhiều chương trình học bổng đào tạo bác sĩ nội trú tại Pháp cho bác sĩ Việt Nam. Bác sĩ Tâm tham gia khóa học thực tế tại nhiều bệnh viện Nhi lớn ở Pháp, tiếp xúc với những kiến thức từ nền tảng cho đến chuyên sâu.

“Trước kia do chưa được trang bị nhiều kiến thức nên có những trường hợp mình phải bất lực, day dứt nhìn bệnh nhi ra đi. Lúc qua Pháp được học các kỹ thuật gây mê, gây tê cho trẻ em, mình hồ hởi lao vào học không dám ngơi nghỉ để trở về giúp thật nhiều cho các bé”, bác sĩ Tâm chia sẻ. Nếu làm đúng có thể cứu bệnh nhân rất nhanh, còn sai một tí bệnh nhân tử vong trong tích tắc. Những kiến thức về khám tiền mê, dặn dò bệnh nhân, quy trình tổ chức theo dõi bệnh nhân sau mổ, cách bố trí máy móc phòng mổ... được nữ bác sĩ cẩn thận quan sát, học hỏi để về triển khai tại Việt Nam.

Gắn với những ca phẫu thuật tách trẻ song sinh dính nhau, bác sĩ Tâm cho biết điều khó khăn khi gây mê hai em bé dính nhau là có thông thương mạch máu. Khi cho thuốc em bé này thì bé kia cũng bị ảnh hưởng, phải tính toán làm sao để nhịp nhàng, an toàn cho từng bé. Mỗi cặp đôi lại dính nhau ở một tư thế, cách thức khác nhau. Việc khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh dù kỹ lưỡng đến đâu, cũng có thể phát sinh nhiều tình huống khó khăn, đòi hỏi ê kíp phải sẵn sàng xử trí các biến cố.

Khi bệnh viện chuẩn bị ghép tạng, chị được sang Bỉ học vào năm 2002. Lúc này tay nghề đã vững vàng hơn, chị nhanh chóng tiếp thu nhiều kỹ thuật tiến bộ. Chứng kiến những bệnh nhân thập tử nhất sinh, hôn mê chờ chết đã hồi phục ngoạn mục như “phép lạ” sau mổ ghép gan, chị càng quyết tâm học hỏi đến cùng. Về nước, những ca ghép gan kéo dài trên 12 giờ được chị cùng đồng nghiệp đứng ra đảm đương.

Thuốc mê là thuốc độc cho cơ thể. Mỗi bệnh nhân, mỗi loại phẫu thuật cần những loại thuốc phù hợp, gia giảm liều lượng thuốc khác nhau, đòi hỏi bác sĩ gây mê phải am hiểu lựa chọn để giữ người bệnh vượt qua cuộc mổ một cách an toàn. Suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây mê phải căng thẳng theo dõi sinh hiệu bệnh nhân, tiêm thuốc, truyền dịch, cung cấp máu… kịp thời. Khi các phẫu thuật viên rời đi, những bác sĩ gây mê ở lại hồi sức bệnh nhân, cho bệnh nhân hồi tỉnh lại.

“Bệnh nhân hồi tỉnh tốt hay không phụ thuộc bác sĩ gây mê. Điều quan trọng ở bác sĩ gây mê nhi là phải trả về cho em bé cuộc sống có chất lượng về sau”, bác sĩ Tâm chia sẻ. Chị không giấu được niềm vui vì nhiều bệnh nhi phải gây mê kéo dài hàng chục giờ, từng mổ nhiều lần nhưng giờ vẫn phát triển trí não tốt, trở thành những bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân... thành đạt.

Bác sĩ Minh Tâm khám tiền mê cho bệnh nhân trước khi vào mổ. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Minh Tâm khám tiền mê cho bệnh nhân để chuẩn bị cho cuộc mổ. Ảnh: Lê Phương.

Nhiều người ví bác sĩ gây mê là người hát bè trầm, âm thầm đứng sau cánh gà giúp các phẫu thuật viên tỏa sáng. Tình yêu nghề, sự say mê học hỏi đã giúp bác sĩ Tâm gắn bó trọn vẹn với công việc lặng lẽ cho sinh tử bệnh nhân. Về hưu, chị vẫn tham gia hỗ trợ những ca khó, phụ trách về gây mê nhi tại Bệnh viện Mắt TP HCM, ngày ngày dành thời gian lập nên những quy trình để chia sẻ truyền nghề cho thế hệ sau. Con trai chị nay cũng là một bác sĩ nhi khoa.

“Ngành gây mê khá kén người theo vì vất vả, ít tiếng tăm, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nhưng đáng mừng là vài năm gần đây đã có những sinh viên y chủ động chọn lựa”, bác sĩ Tâm chia sẻ. 

Lê Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top