Vùng Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ là một dải hẹp chạy dọc theo chiều dài đất nước được bao bọc bởi đường bờ biển dài phía nam và những dãy núi miền bắc. Như nhiều vùng hẻo lánh khác, văn hóa và địa lý khu vực này rất khác với Istanbul hay phía bờ Địa Trung Hải. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến sự khác biệt đó và thường lầm tưởng khu vực này có nhiều điểm tương đồng với các vùng lân cận.
Bạn đã không còn ở trong đất nước của kebab nữa
Hãy tạm cất những hiểu biết về đồ ăn Thổ Nhĩ Kỳ sang một bên khi du khách đặt chân đến đây. Vùng Biển Đen có nền ẩm thực độc đáo riêng dựa trên những thực phẩm địa phương như rau xanh, ngô, những sản phẩm từ sữa, đậu, nấm hương dại, và nhiều thức ngon khác. Trong một đêm lạnh thấu xương trên núi, du khách có thể ấm bụng với món muhlama làm từ bột ngô, phô mai và bơ trộn đều; hay karalahana çorbası - món súp từ cải xoăn và đậu; hoặc món bánh ngọt nhiều lớp Laz böregi béo ngậy trứng sữa.
Không phải cái gì to cũng tốt, nhất là cá
Loài cá được ưa chuộng nhất tại đây là cá cơm, có tên gọi là “hamsi” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng được ngư dân vùng Biển Đen đánh bắt từ cuối thu đến hết mùa đông, loại hải sản thơm ngon này được ấp ủ suốt chặng đường đến Istanbul. Người bản xứ thường rắc bột ngô và chiên cá cơm, song họ cũng nấu loại hải sản này với các món cơm, trứng omelet, bánh thịt nướng sữa casserole hay bánh mì ngô.
Đặc sản cá cơm của vùng Biển Đen Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Matador. |
Cá cơm thậm chí còn tạo cảm hứng cho một điệu nhảy truyền thống
Điệu nhảy này mô phỏng đường bơi khéo léo của những đàn cá cơm nhỏ khi chúng bơi trên biển hoặc ngay cả khi mắc vào lưới của ngư dân.
Đây là một miền đất còn nhiều nét hoang dã
Sói, chim cắt và gấu còn xuất hiện nhiều tại khu rừng rộng ven biển, nơi cư trú của một lượng lớn những loài động thực vật hoang dã, bao gồm cả những loài đang bị đe dọa. Đây cũng là nơi sở hữu ngôi làng Camili nằm trong thung lũng Machakheli (thuộc tỉnh Artvin), khu bảo tồn sinh quyển được UNESCO công nhận. Không chỉ vậy, nơi đây cũng là địa điểm trekking lý tưởng cho du khách với dãy núi Kaçkar hiểm trở.
Sống trên núi luôn là lựa chọn lý tưởng
Mặc dù vùng đất này được gọi là miền Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ, song nó vẫn được các dãy núi bao bọc. Mùa đông tuyết luôn phủ kín, những yayla (trong tiếng Thổ có nghĩa là khu nghỉ dưỡng) nằm rải rác trên núi cao khoảng 1.500 m so với mặt nước biển. Những triền núi trỗi dậy đầy sức sống với các thảm thực vật sặc sỡ vào mùa xuân. Người dân thường kéo đến đây vào những tháng có tiết trời ấm áp. Họ sẽ mang theo những đàn gia súc để chăn thả và cả tổ ong để nuôi qua mùa hè. Miền đất này cũng vô cùng thích hợp cho các hoạt động dã ngoại và leo núi.
Bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng
Mặc dù không nổi tiếng như những di sản văn hóa vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà) thuộc miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Biển Đen vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa của đất nước này. Người Hy Lạp, La Mã, Mông Cổ, Armenia, Georgia, Genova và những cư dân khác từng sinh sống tại đây, để lại những công trình kiến trúc cổ như nhà thờ, lâu đài, các lăng mộ và tu viện mà ngày nay du khách vẫn có thể ghé thăm. Tại tỉnh Artvin, du khách còn có cơ hội tham dự những buổi biểu diễn của Maçahel Polyphonic Choir, một nhóm các nam ca đứng tuổi với mong muốn bảo tồn những bài hái dân ca Georgia cổ.
Với lễ đấu bò, con người không tham gia trực tiếp
Người Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Biển Đen không có truyền thống đấu bò như Tây Ban Nha. Giống như trò đấu lạc đà truyền thống của miền duyên hải Aegean, lễ hội đấu bò của người dân nơi đây sẽ gồm 2 con bò tót tham chiến, con nào đẩy được đối thủ ra khỏi vòng tròn trước sẽ thắng cuộc. Những chủ nuôi sẽ phải chăm sóc bò trong nhiều năm trước khi giao đấu để chúng đủ khỏe mạnh và cường tráng.
Miền đất dồi dào mật ong
Với hơn 150 loài cây tính riêng trên diện tích núi Kaçkars, thảm thực vật phong phú cho phép dân địa phương dễ dàng nuôi ong. Nhưng trước khi thưởng thức bất cứ một thìa mật ong nào, du khách cần chắc chắn nó đã qua xử lí. Những chú ong chỉ hút riêng mật của một loại hoa đỗ quyên tại đây sẽ cho ra thứ “mật điên”, gây chóng mặt, ảo giác nhẹ và nhiều triệu chứng khác cho hệ thần kinh chỉ với một liều lượng nhỏ.
Người dân địa phương luôn chào đón du khách nồng hậu. Ảnh: Matador. |
Dân bản địa yêu chim và sáng tạo ngôn ngữ phỏng theo tiếng hót
Những người nuôi chim ưng tại vùng Biển Đen Thổ Nhĩ Kỳ vốn nổi tiếng với khả năng bắt và thuần hóa dễ dàng loài vật này. Họ sử dụng loài chim này trong mùa săn chim cút kéo dài không lâu, sau đó thả chúng về tự nhiên. Những người chủ tạm thời sẽ đưa thú cưng của họ đi khắp mọi nơi, họ còn tổ chức giao lưu hội nuôi chim ưng tại các quán cà phê.
Trong khi đó, ngôi làng nhỏ có tên Kuşköy (thuộc tỉnh Giresun) là nơi khởi sinh ra ngôn ngữ huýt sáo, một loại hình giao tiếp độc đáo của một vài cộng đồng người miền núi trên thế giới. Người làng tạo nên những âm thanh gần giống từ và câu tiếng Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách huýt sáo. Trước khi có sự xuất hiện của điện thoại di động, cách thức giao tiếp này rất hiệu quả khi họ cần liên lạc ở khoảng cách xa trên những sườn đồi.
Người dân địa phương rất thông mình, dí dỏm và tốt bụng
Việc di chuyển đồ đạc khá khó khăn ở một nơi có địa thế hiểm trở như vùng Biển Đen Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân đã tự dựng lên những đường cáp treo để di chuyển và vận chuyển hàng hóa theo đường trên không. Du khách có thể sẽ phải bất ngờ khi thấy nhân viên khách sạn đưa hành lý của mình lên thẳng khách sạn trên núi bằng đường cáp treo. Không chỉ khéo léo như vậy, người dân địa phương cũng rất cởi mở, thân thiện và luôn sẵn lòng giới thiệu với du khách nền văn hóa đặc trưng của miền đất này.
Xem thêm: Những điều thú vị về Thổ Nhĩ Kỳ
Phạm Huyền
Post a Comment