Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Tim mạch Quốc gia, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết nam bệnh nhân này vào viện cấp cứu mới 2 ngày. Ông mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không điều trị. Lần này được đưa vào viện cấp cứu, bác sĩ phát hiện cả 3 nhánh động mạch vành của bệnh nhân đều bị tắc, trong đó có 2 nhánh đã tắc từ trước. Trong khi đó 3 nhánh lớn này đều đóng vai trò chính trong hệ thống động mạch vành làm nhiệm vụ nuôi dưỡng tim. Các bác sĩ đã không thể cứu được bệnh nhân. Ông qua đời do sốc tim.

“Toàn bộ cơ tim bị chết, không thể làm gì cứu vãn được khiến bác sĩ chúng tôi thấy bất lực, ám ảnh, tiếc nuối vì bệnh nhân chỉ mắc mỗi bệnh tăng huyết áp mà chủ quan không điều trị”, phó giáo sư Hùng nói.

bac-si-nuoi-tiec-khi-khong-cuu-duoc-benh-nhan

Giáo sư Nguyễn Lân Việt (bên trái) và phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng. Ảnh: H.N.

Chia sẻ về ca bệnh này, giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cũng cảm thấy tiếc nuối vì “bệnh nhân bị tắc cả 3 nhánh mạch vành, có nhánh tắc từ trước, nếu đi khám thường xuyên biết trước tình trạng này thì bác sĩ can thiệp ngay sẽ cứu được tính mạng”.

Theo giáo sư Việt, các bệnh lý tim mạch có xu hướng tăng lên rõ rệt trong cộng đồng. Ví dụ bệnh tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch phổ biến nhất hiện nay, Việt Nam năm 2000 chỉ có khoảng 16% người lớn mắc bệnh, đến năm 2009 tăng lên hơn 25% và số liệu mới nhất hiện nay là 46%. Đây là mức báo động.

Tỷ lệ người không biết bệnh rất lớn, tỷ lệ điều trị cũng rất thấp. “Ý thức phòng chống bệnh của người dân vẫn còn kém, nhiều bác sĩ cũng không biết huyết áp của mình là bao nhiêu cho đến lúc bỗng dưng bị tai biến. Mỗi người dân cần biết con số huyết áp như con số tuổi của mình”, giáo sư Việt nhấn mạnh.

Tim mạch là bệnh rất nguy hiểm nhưng không thể phòng ngừa, đòi hỏi sự hiểu biết của người dân. Người bệnh cũng có thể yên tâm điều trị, bởi tại Việt Nam đã điều trị tốt bệnh này với hầu hết các kỹ thuật can thiệp điều trị tim mạch thế giới hiện nay.

Nam Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top