Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết trong tháng 9, số bệnh nhi tay chân miệng tại thành phố tăng 13% so với tháng 8. Trong 9 tháng đầu năm có gần 4.000 em bé nhập viện. Mới đây, một số ổ bệnh trong các trường học đã xuất hiện tại quận 5, Hóc Môn...
Bệnh như mối họa lơ lửng trên đầu trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có thuốc ngừa cũng như thuốc đặc trị. Bệnh rất dễ lây, thường lây nhanh qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của trẻ bệnh hoặc lây gián tiếp qua bàn tay, vật dụng nhiễm dịch tiết có chứa virus. Bệnh xảy ra theo 2 mùa trong năm, từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh biểu hiện với các bóng nước có kích thước 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục. Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng.
Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước tự xẹp và tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay bóng nước đã xẹp. Đa số trường hợp bệnh tự khỏi, song nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71, một số trẻ có biến chứng tim mạch hô hấp, thần kinh rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.
Trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Trẻ có thể hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run tay chân, co giật. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Khi có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.
Phụ huynh lưu ý, khi chăm sóc tại nhà cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, dùng thuốc giảm đau hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn. Những trường hợp trẻ có thể bị biến chứng thường là sốt hơn 2 ngày, sốt trên 39 độ khó hạ, nôn ói nhiều... Các bé có dấu hiệu trên nên đến bệnh viện khám. Khi biến chứng, trẻ thường giật mình chới với, li bì, ngủ nhiều, run tay chân, đi đứng loạng choạng..., cần phải nhập viện gấp.
Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM khuyến cáo để phòng bệnh cần thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người chăm sóc bằng nước, xà phòng. Vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đồ chơi, vật dụng và nơi sinh hoạt của trẻ. Không đưa trẻ đang nghi ngờ bệnh đến trường. Trẻ bị tay chân miệng nên nghỉ học 7-10 ngày, thực hiện khử khuẩn.
Lê Phương
Post a Comment