Nếu có dịp đến Bến Tre, bạn hãy ghé qua làng nghề Phú Lễ để tìm hiểu thêm về văn hóa đặc trưng ở đây.

Nghe hát sắc bùa khi đan lát

Hát sắc bùa ở Phú Lễ, huyện Ba Tri - Bến Tre ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, tồn tại cho đến những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Xuất phát từ xã Phú Lễ, hát sắc bùa Bến Tre đã lan tỏa qua các xã khác, địa bàn hoạt động mạnh nhất là các xã của huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm. Ảnh: Mỹ Phượng.

Hát sắc bùa ở Phú Lễ, huyện Ba Tri - Bến Tre ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 18, tồn tại cho đến những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Xuất phát từ xã Phú Lễ, hát sắc bùa Bến Tre đã lan tỏa qua các xã khác, địa bàn hoạt động mạnh nhất là các xã của huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm. Ảnh: Mỹ Phượng.

Hiếm có nơi nào còn giữ được nét văn hóa truyền thống đàn ca đi đôi với lao động như ở Phú Lễ. Hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, mang tính nghi lễ và thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán để cầu may, chúc phúc cho gia chủ. Ngoài ra, hát sắc bùa cũng được biểu diễn trong khi lao động để khơi dậy tinh thần làm việc cho bà con dân làng ở Bến Tre.  

Hát sắc bùa có 2 phần, phần mang tính nghi lễ và phần giúp vui. Phần nghi lễ gồm trấn bùa, dùng lời ca tiếng hát và tấm bùa để trấn tà ma. Còn sau đó là phần hát giúp vui chúc tụng, đặc biệt chúc tụng các nghề của gia chủ như làm ruộng, dệt vải. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hát sắc bùa có nguồn gốc từ miền Trung do những lưu dân trong quá trình di cư vào Nam đã mang theo. Tuy nhiên, theo ông Lư Văn Hội, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre, hát sắc bùa Phú Lễ có nét đặc biệt hơn hát sắc bùa Quảng Ngãi, ở chỗ có thêm cây đàn cò khiến cho âm thanh điệu nhạc của bài ca có phần sinh động hơn. 

Cuối năm ngoái, UBND xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tổ chức lễ ra mắt đội hát sắc bùa. Trong đó có 2 đội: đội người lớn và đội học sinh. Đội hát sắc bùa xã Phú Lễ được thành lập có 21 thành viên và thường xuyên biểu diễn các dịp lễ, Tết và những dịp giao lưu văn hóa của địa phương. Khách du lịch khi tới tham quan làng Phú Lễ cũng sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng và thưởng thức những cái hay của hát sắc bùa trong lao động. 

Hồ men nấu rượu với 36 vị thuốc nam- bắc

Hiện nay, trong số 500 hộ dân ở xã Phú Lễ, duy nhất còn ông Ba Dân (82 tuổi) và con trai ông đang giữ bí quyết làm hồ men từ 36 vị thuốc nam bắc. Ảnh: Mỹ Phượng.

Hiện nay, trong số 500 hộ dân ở xã Phú Lễ, duy nhất còn ông Ba Dân (82 tuổi) và con trai ông đang giữ bí quyết làm hồ men từ 36 vị thuốc nam – bắc. Ảnh: Mỹ Phượng.

Bên cạnh nghề đan đát mây tre đan với nhiều sản phẩm sử dụng trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, nghề nấu rượu nếp truyền thống tại Phú Lễ cũng được rất nhiều du khách quan tâm. 

Hiện nay, xã Phú Lễ có hơn 90 hộ dân chuyên kháp rượu. Điểm đặc biệt của rượu truyền thống Phú Lễ nằm ở bài hồ men bí truyền từ 36 vị thảo mộc bắc - nam. 36 vị thảo mộc được tán nhuyễn rồi trộn lẫn với cám hoặc gạo nếp Ba Tri tạo nên một loại hồ men đặc trưng của rượu làng nghề. Ngoài ra, hồ men còn được trộn với các loại phụ gia như rau răm, ớt, giềng, lá trầu,… để tạo nên hương vị riêng cho rượu. 

Phó Bí thư tỉnh Bến Tre, ông Phan Văn Mãi chia sẻ: “Văn hóa uống rượu Phú Lễ là văn hóa đời sống, kết nối lễ nghĩa, sự an toàn và kết thân”. Rượu truyền thống nơi đây có “chất men” làm du khách say đắm và thêm yêu Phú Lễ, đến một lần chắc chắn sẽ trở lại.  

Người dân địa phương cũng tận dụng bã hèm sau khi nấu rượu để nuôi các loại gia súc, gia cầm như bò, gà,… khiến cho những món ăn ở đây có độ thơm và dai tự nhiên. Về với Phú Lễ, Ba Tri, du khách cũng sẽ được thưởng thức món xôi nếp dừa gà bùi bùi và thơm ngậy được nấu từ nếp Ba Tri và các món ăn từ bò, gà, mực đặc sản ở địa phương.

Nghe hát bội ở đình làng

Đình làng Phú Lễ có khu vực sân hát bội mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Mỹ Phượng.

Đình làng Phú Lễ có khu vực sân hát bội mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Mỹ Phượng.

Đình Phú Lễ là một trong số 4 di tích kiến trúc nghệ thuật nổi bật của huyện Ba Tri. Đây là ngôi đình đặc trưng của văn hóa Nam bộ được xây dựng để tưởng nhớ các vị tiền nhân đã khai phá, khẩn hoang lập nghiệp tại vùng đất này. Điểm khác biệt của đình Phú Lễ là vào ngày Tết hoặc Lễ hội cúng đình (Lễ Kỳ Yên) được tổ chức vào 18 và 19/3 âm lịch hàng năm, ngay trước đình sẽ tổ chức hát bội.

Trong lần đầu được tham quan đình Phú Lễ, tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cho biết: “Cái hay nhất của đình Nam bộ là có nơi để hát bội, không chỉ có mục đích giải trí như ở đình làng miền bắc mà còn giáo dục những nếp sống, cách làm người và đạo lý truyền thống cho con em trong làng”..  

Do chiến tranh và thời gian, các công trình kiến trúc và các hiện vật bài trí bên trong đã bị xuống cấp nhưng những phần cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên, đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ được đến hôm nay. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra đình Phú Lễ là đình có quy mô lớn và đẹp nhất của các làng quê ven biển Bến Tre. Nét đẹp của đình một phần còn do cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Khuôn viên của đình khá rộng, trải ra trên khu đất giồng khô ráo, với hàng trăm cây cổ thụ toả bóng. Đây là một không gian lý tưởng để du khách cảm nhận vẻ thanh bình nơi làng quê Tây Nam Bộ. 

Xem thêm: Miền Tây bình yên trong mắt khách nước ngoài

Mỹ Phượng

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top