Thứ hai, 10/10/2016 | 12:03 GMT+7

Dù đời sống chỉ dựa vào đàn gia súc, người Pamiri, đặc biệt là dân làng Bulunkul ở dãy Pamir (được mệnh danh là nóc nhà thế giới trong tiếng Ba Tư), vẫn cảm thấy hạnh phúc và muốn ở lại quê hương thay vì chuyển tới thành phố lớn.

Phong cảnh không nhuốm màu thời gian

Được mệnh danh là "Bam-i-Dunya" (theo tiếng Ba Tư nghĩa là Nóc nhà thế giới), dãy núi Pamir ở Trung Á, nằm phần lớn ở Gorno-Badakhshan, một vùng tự trị phía đông Tajikistan, có biên giới với Trung Quốc, Kyrgyzstan và Afghanistan - là một trong những dãy núi cao nhất thế giới. Từng là một phần của con đường tơ lụa huyền thoại, khu vực này không cho người nước ngoài vào suốt thời gian thuộc Liên Xô cũ và mới đây mở cửa trở lại cho du khách tới khám phá.

Con đường xuyên những ngọn núi

Gorno-Badakhshan kết nối với thế giới bên ngoài bằng tuyến đường cao tốc Pamir, đi qua dãy Pamir xuyên Afghanistan, Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Đây là con đường cao thứ hai thế giới (chỉ sau cao tốc Karrakoram của Pakistan) với vị trí cao nhất của nó là đèo Ak Baital thuộc địa phận Tajkistan, 4.655 m. 

Du khách chỉ có thể tới Gorno-Badakhshan từ tháng 5 đến tháng 9, khi tuyết không còn bao phủ dày đặc trên đường nữa.  

Bằng chứng cho một quá khứ oai hùng

Dãy Pamir có vị trí quan trọng trong phần phía nam của con đường tơ lụa xưa kia. Pháo đài Yamchun có từ thế kỷ thứ 3 là một trong những công trình ấn tượng nhất ở thung lũng Wakhan, nằm trên biên giới Afghanistan. Pháo đài được xây trên đỉnh một vách đá, nó đóng vai trò "chìa khóa" trên con đường tơ lụa vì là nơi quản lý giao thông, đảm bảo an ninh và hàng quá qua lại.

Chân trời Afghanistan

Một người lính biên phòng Tajik đứng trên đống đổ nát của pháo đài Khakha có từ thế kỷ thứ 4 ở thung lũng Wakhan, nhìn hướng về Afghanistan, chỉ cách đó vài trăm mét bên kia sông Panj. 

Biên giới này có lính canh nghiêm ngặt vì lý do an toàn, nhưng hàng tuần, một phiên chợ vùng biên vẫn được tổ chức, ngay tại ngôi làng Ishkachim. Tại đây, người mua kẻ bán đến từ cả hai bên biên giới, và tất nhiên vẫn dưới tầm kiểm soát của quân đội. 

Di sản riêng biệt

Vì tách biệt với bên ngoài, người Pamiri vẫn có một nền văn hóa rất riêng, khác với phần còn lại của đất nước Tajikistan. Người Pamiri phần lớn là người Ismaili, thuộc nhóm Hồi giáo Shia, trong khi người Tajik lại thuộc nhóm Hồi giáo Sunni. Họ có ngôn ngữ riêng cũng như nhiều sản phẩm thủ công, trang sức, âm nhạc, điệu múa truyền thống. 

Tháng 7 hàng năm, thủ phủ của vùng là Khorog thường tổ chức lễ hội Nóc nhà thế giới. Những vũ công, nghệ nhân từ khắp nơi trong vùng Pamir cũng như các vùng núi dọc con đường tơ lụa tụ tập lại. Lễ hội không chỉ là một điểm dừng để giao thoa văn hóa, mà còn là sự kiện nhằm bảo tồn những nét di sản riêng biệt của các vùng.  

Đôi mắt Pamiri

Ở các nước Trung Á như Tajikistan, Uzbekistan, và Azerbijan, lông mày đôi được xem như biểu tượng cho vẻ đẹp, sự trong trắng của phụ nữ và sự kiên cường của đàn ông. Nếu không có lông mày đôi tự nhiên hoặc không rõ nét, nữ giới thường phải dùng bút vẽ thêm.

Cô bé (ảnh) là người ở Ishkachim, đã đi khoảng 100 km tới phía bắc, vùng Khorog để tham gia các lễ hội âm nhạc. Cô bé diện bộ váy truyền thống đẹp nhất của mình đến dự hội. 

Đàn gia súc của những người đàn ông

Trái ngược với sắc màu rực rỡ của các lễ hội, kế sinh nhai của người Pamir lại rất đơn giản. Họ chủ yếu chăn nuôi gia súc, khai thác mỏ và phần nhiều trong số đó chỉ có cuộc sống vừa đủ. 

Trong ảnh là một người đàn ông cố gắng dồn đàn bò yak để đưa về làng Bulunkul khi trời sắp tối. Yak, loài động vật giống dê và cừu, là nguồn sống chính của dân làng, cung cấp thịt cho họ và cả để bán. Người Pamir không có các cơ hội việc làm khác.  

Cách xa thế giới

Ở Bulunkul, 20 gia đình sống trong các ngôi nhà đơn giản, xây từ gạch, bùn đất, gỗ và đá. Tuyến đường gần nhất chính là cao tốc Pamir, cách đó 16 km. 

"Trong làng, chúng tôi chỉ có một quán nhỏ trong nhà, bán các thứ như dầu, gạo, vài thanh socola bé. Cứ 15 ngày lại có một chiếc xe tải đi từ Khorog tới đây, cung cấp các nhu yếu phẩm cho chúng tôi" - Zainab, một người dân Bulunkul chia sẻ.  

Lựa chọn cho tương lai

Khoảng 50 trẻ đi học ở trường làng, nơi chỉ có hai giáo viên dạy học. Đến 18 tuổi, một số người chọn ở lại làng chăm sóc gia đình và đàn gia súc. Số khác (phần lớn là nam giới), sẽ tới Khorog, các vùng khác ở Tajikistan hoặc Nga để tìm việc. Dù vậy, những người Pamiri vẫn rất kiên cường, và nhiều người muốn ở lại quê hương hơn là đi xa.

"Ở Bulunkul, chúng tôi quen với cuộc sống như thế này, nơi có đàn gia súc, nhà và những đứa trẻ. Điều gì khiến chúng tôi phải chuyển đi? Cuộc sống của chúng tôi ở đây mà. Tôi từng tới Khorog nhiều lần nhưng tôi không bao giờ ước mình đến sống ở một thành phố. Chúng tôi hạnh phúc khi ở đây" - Sakina, một người dân Bulunkul tâm sự. 

Hương Chi (theo BBC)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top