Bệnh nhân mới đây từ Lâm Đồng đến Bệnh viện Trưng Vương gặp bác sĩ Trần Minh Thiệu. 3 năm trước bà xuất hiện mụn nhỏ ở môi bên dưới, bôi thuốc nhiều lần không khỏi, mụn lan ra gần hết vùng môi. Bà đã chữa ở nhiều nơi, thậm chí sinh thiết để tầm soát ung thư, bệnh vẫn không thuyên giảm.
Bác sĩ Thiệu cho biết, kết quả sinh thiết của bệnh nhân cho kết quả bình thường nên loại trừ ung thư. Dựa trên biểu hiện lâm sàng, nghi ngờ đây là trường hợp nhiễm herpes môi dưới bội nhiễm. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ bệnh herpes.
“Tình trạng bội nhiễm khiến tổn thương nặng nề, không đặc trưng nên dễ nhầm lẫn khi chẩn đoán. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế không nghĩ đến bệnh herpes”, bác sĩ Thiệu chia sẻ. Sau 18 ngày điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. "Suốt mấy năm qua tôi mất ăn mất ngủ, suy nhược nặng nề vì cứ đinh ninh mình bị ung thư, không còn cách chữa khỏi", bệnh nhân chia sẻ.
Theo bác sĩ da liễu Huỳnh Bá Long, mụn rộp ở môi do virus herpes là bệnh khá phổ biến, thường xuất hiện vào mùa mưa. Bệnh biểu hiện là những đám mụn nước nhỏ trên môi, gây đau rát, ngứa... Các vết rộp có thể biến mất tự nhiên hoặc do điều trị. Virus herpes vẫn tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể và khởi phát bệnh khi có điều kiện. Bệnh rất dễ lây truyền qua tiếp xúc, kể cả tiếp xúc gián tiếp như dùng chung khăn, bàn chải, bát đũa, son môi...
Có thể tự điều trị tại nhà bằng cách súc miệng bằng nước muỗi pha loãng, tắm bằng nước ấm pha với muối hay thuốc tím thật loãng. Dùng son dưỡng môi có vaseline và chất chống nắng để làm dịu các vết nứt. Không nên dùng kem hay phấn trang điểm che đi những mụn rộp để tránh bội nhiễm.
Giảm căng thẳng, tránh các loại thức ăn giàu arginine như dừa, đậu nành, lạc, chocolate, cà rốt… Nên ăn các loại thực phẩm mềm và nhạt như rau quả, trái cây, giá, thịt bò, cá, gà… Nếu bệnh kéo dài, lan rộng, gây biến chứng nặng hoặc xảy ra ở bệnh nhân đặc biệt như trẻ sơ sinh, thai phụ, bệnh nhân bị AIDS, ghép nội tạng..., cần có sự theo dõi điều trị của bác sĩ.
Lê Phương
Post a Comment