Udon Thani là một trong những tỉnh có cộng đồng người Việt sống khá đông đúc. Tại đây, bạn dễ dàng bắt gặp những người nói tiếng Việt trong nhà hàng, các chợ, và cả các điểm du lịch. Họ có thể là người Thái gốc Việt, hoặc đơn giản là người Thái biết tiếng Việt để phục vụ công việc, giao tiếp trong đời sống hàng ngày.

Mang quốc tịch Thái nhưng cô Sukanda, chủ một hãng lữ hành ở Udon Thani nói tiếng Việt rất thành thạo. Cô cho biết mình sinh ra và lớn lên ở Thái Lan nhưng có bố mẹ là người Việt. Do đó, nói tiếng Việt không chỉ xuất phát từ yêu cầu công việc mà còn là cách gìn giữ nguồn cội.

viet-kieu-tich-cuc-lam-du-lich-o-thai-lan

Chú vịt vàng nổi giữa hồ là một trong những điểm đến biểu tượng ở Udon Thani. Ảnh: Vy An.

Sukanda cho biết mỗi năm, công ty của cô đón hàng nghìn khách Việt đến đây du lịch và chủ yếu đi bằng đường bộ. Ngoài thăm khu di tích Hồ Chí Minh – điểm nhất định phải ghé ở Udon Thani, hành trình yêu thích của khách Việt là kết hợp tham quan tỉnh Nong Khai – cực bắc Thái Lan và thủ đô Viêng Chăn của Lào. Không sôi động như Bangkok, cũng chẳng có biển như Pattaya, nhưng vùng đông bắc Thái Lan khiến khách Việt ấn tượng bởi sự yên bình, thân thuộc như trên chính quê hương.

Sukanda chia sẻ, khách Thái cũng rất thích đến Việt Nam du lịch. Công ty cô thường tổ chức tour cho họ đến TP HCM, Mũi Né, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội… Trong đó, họ đặc biệt yêu thích Sa Pa – nơi có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, đặc biệt là khí hậu mát lạnh như vùng ôn đới – điều không có tại Thái Lan.

Không hề khó hiểu khi cộng đồng làm du lịch ở đông bắc Thái Lan đa phần là Việt kiều. Họ làm chủ nhiều nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch lớn ở Udon Thani, Nong Khai. Nếu những người có cha mẹ là người Việt, sinh ra và lớn lên ở Thái Lan như cô Sukanda là thế hệ F1, thì nay những người thuộc thế hệ F2, F3 cũng đang tham gia tích cực vào việc kết nối Thái Lan – Việt Nam thông qua du lịch.

viet-kieu-tich-cuc-lam-du-lich-o-thai-lan-1

Đoàn khách người Việt nghe thuyết minh trong nhà Thầu Chín. Ảnh: Vy An.

Đến thăm khu di tích Hồ Chí Minh, nơi Người từng sống và hoạt động cách mạng những năm 1928-1930, không ít du khách có cảm giác như ghé thăm nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội hay quê bác ở Nam Đàn, Nghệ An. Thật vậy, bởi nơi đây là một khu đất rộng, xung quanh nhiều cây trái, ở giữa là nhà tưởng niệm và nhà Thầu Chín (tên gọi của Hồ Chí Minh khi hoạt động ở đây) với mái tranh nhìn ra sân vườn. Hơn cả là các nhân viên trong khu di tích đều nói tiếng Việt, kể cả người Thái.

Tiếp đón hàng nghìn lượt khách mỗi tháng, nhưng khi có đoàn khách từ Việt Nam sang, các cán bộ trong khu di tích không khỏi bồi hồi xúc động. Hầu hết trong số họ đều là người Việt sinh ra, lớn lên ở đây và mang quốc tịch Thái Lan, nhưng trong lòng lúc nào cũng hướng về Tổ quốc.

Trong chiếc áo dài truyền thống, họ kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian Hồ Chí Minh hoạt động bí mật, được người dân Thái Lan bao bọc, che chở. Đó còn là những câu chuyện về sự hình thành khu di tích, nơi được vun đắp từ mong muốn của các thế hệ người Việt cùng người dân Thái Lan ở Udon Thani và vùng đông bắc Thái.

Nhiều Việt kiều ở đây còn dùng ẩm thực làm cầu nối, bằng cách mở các nhà hàng Việt phục vụ người dân và khách du lịch. Một hướng dẫn viên ở đây cho biết, cô không thể đếm hết số lượng nhà hàng Việt ở Nong Khai bởi đi đến đâu bạn cũng có thể dễ dàng tìm được địa chỉ như vậy.

Một trong những nơi chúng tôi có dịp ghé ăn là nhà hàng Cà phê Việt, nằm trong chợ Indochina, bên bờ sông Mekong. Chủ nhà hàng là một phụ nữ gốc Hà Nội, do đó nét tinh tế của ẩm thực miền Bắc một phần được thể hiện khá rõ qua thực đơn với giò lụa, giò tai, nem chua… Tuy nhiên, hương vị ít nhiều đã có sự pha trộn với ẩm thực địa phương.

viet-kieu-tich-cuc-lam-du-lich-o-thai-lan-2

Quầy bán giò chợ trong Chợ Sáng. Ảnh: Vy An.

Không trực tiếp làm du lịch nhưng những tiểu thương ở chợ Sáng (Morning Market, Udon Thani) cũng đã góp phần quảng bá các đặc sản Việt Nam. Đây là khu chợ được hàng lữ hành đưa khách đến để trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Chợ mở từ sáng sớm đến khoảng 2h chiều là nghỉ.

Thấy nồi cháo canh ngay giữa chợ, chúng tôi chủ động bắt chuyện tiếng Việt và ngay lập tức được ông chủ hồ hởi trả lời. Ông cũng thuộc thế hệ F1 và có quê gốc ở Hà Tĩnh. Dù sống ở Thái Lan hàng chục năm nhưng giọng nói đặc trưng xứ miền Trung trong ông vẫn khiến người trò chuyện nhận ra dễ dàng. Hàng cháo canh được ông mở đã lâu và nay con gái đang cùng ông đứng bán.

Đối diện hàng ông cũng là một quầy của cô chủ gốc Việt, bán giò chả. Ông cho biết đa phần người trong chợ đều có quê gốc ở Việt Nam. Do đó, chỉ cần dạo một vòng là bạn có thể thấy khá nhiều món Việt được bày bán như bánh cuốn, bánh bèo…

Bên cạnh Việt kiều, sự gần gũi của du lịch hai nước không thể thiếu sự đóng góp của những người Thái ở đây. Là người Thái 100%, nhưng cô giáo dạy tiếng Việt ở Nong Khai vẫn được mọi người biết đến với tên gọi Thiên Hương. Hương kể, cô học chuyên ngành tiếng Việt và hiện dạy tiếng cho cộng đồng gốc Việt tại đây. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Hương rất tích cực cộng tác với các hãng lữ hành làm hướng dẫn viên cho tour khách Việt, nhờ lợi thế về ngôn ngữ.

Xem thêm: Người chuyển giới nổi bật ở phố đèn đỏ Thái Lan

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top