Bánh phu thê hay còn gọi là bánh xu xê, là một trong những loại bánh thường xuyên có mặt trong các đám hỏi, tượng trưng tình yêu nam nữ. Bánh phu thê vốn là đặc sản của làng Đình Bảng, Bắc Ninh nhưng hiện nay được phổ biến khá rộng rãi. Cũng vì yêu thích hương vị thơm ngon của bánh này mà chị Vi Thị Mai Hường (Lạng Sơn) đã tìm tòi công thức, làm ra chiếc bánh bao nhiêu năm vẫn hot này.

Chị Hường cho biết, công thức làm bánh do chị đúc rút ra sau khi tham khảo nhiều lần trên mạng, điều chỉnh theo cảm nhận của bản thân và sau nhiều lần làm thất bại. “Mình làm bánh này lâu rồi nhưng gần đây mới đạt được thành phẩm như mình mong đợi”.

Chị Mai Hường làm thành công chiếc bánh phu thê sau nhiều lần thất bại và đúc rút kinh nghiệm

Lý do thường hay làm loại bánh này, chị Hường chia sẻ “xuất phát từ nhu cầu của gia đình mình là mọi người thích ăn món này nhưng cứ mỗi khi có dịp đi Hà Hội hay Bắc Ninh hoặc đám cưới mới có nên mình lại mò mẫm trên mạng làm”.

Vì không cho phụ gia để bánh được như ngoài hàng, nên chị Hường phải điều chỉnh lượng nước và bột để có độ giòn của bánh như mong muốn. Phải mất thời gian khá lâu chị mới điều chỉnh và hoàn thiện được điều này.

Bánh phu thê vốn có màu đỏ hoặc xanh tươi rất đẹp mắt. Để làm bánh bằng các nguyên liệu màu tự nhiên sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng đảm bảo sức khỏe của gia đình hơn là dùng phẩm màu thực phẩm. Để làm bánh màu đỏ mọi người có thể dùng củ cải đỏ, gấc, lá cẩm đỏ; màu xanh của lá dứa, màu cam từ cà rốt, màu tím từ lá cẩm tím hoặc bắp cải tím... rất nhiều loại lá, rau củ có thể sử dụng được mà không làm ảnh hưởng nhiều đến hương vị chính của bánh, chị Hường cho biết.

Để làm bánh màu đỏ mọi người có thể dùng củ cải đỏ, gấc, lá cẩm đỏ; màu xanh của lá dứa, màu cam từ cà rốt, màu tím từ lá cẩm tím hoặc bắp cải tím...

Khi chiếc bánh hoàn thiện, theo chị Hường, yêu cầu cảm quan của bánh phải có độ căng, trong, nhìn thấy cả lớp nhân đỗ xanh bên trong rất đẹp mắt. Ăn phần vỏ bánh hơi dai dai, giòn giòn.

Bánh sau khi “ra lò” có thể để được 3-5 ngày tùy thời tiết và công đoạn làm của người làm. Nhân bánh cần sên kỹ, lượng đường ổn sẽ để được lâu. Hoặc có thể bảo quản tủ lạnh, khi ăn thì hấp lại.

Hiện tại, bạn bè, người quen thấy chị Hường làm bánh ngon lại đảm bảo an toàn nên thỉnh thoảng cũng có đặt chị làm về cho gia đình. Điều chị nhận lại được là những lời khen bánh thơm, ngọt vừa, độ dai giòn tương đối ổn, quan trọng nhất là bánh không có chất bảo quản nên chị Hường rất vui và thích thú.

Chị còn cho biết, chị rất tự tin với những chiếc bánh phu thê mình làm ra có thể trở thành lễ vật trong ngày ăn hỏi, đám cưới của các đôi trai gái.

Chị Hường rất tự tin với những chiếc bánh phu thê mình làm ra có thể trở thành lễ vật trong ngày ăn hỏi, đám cưới của các đôi trai gái

Công thức làm bánh phu thế của chị Mai Hường:

Nguyên liệu:

Vỏ bánh

- 250g bột năng
- 350ml nước
- Đường (theo khẩu vị)
- Màu tự nhiên (dùng lá dứa tạo màu xanh, dùng gấc tạo màu đỏ), hoặc màu thực phẩm
- Vừng trắng (để rắc mặt bánh khi gói)

Nhân bánh

- 100g đỗ xanh
- Vani
- Đường
- Dừa nạo sợi (tùy ý, tuy nhiên dùng dừa nạo bánh sẽ nhanh thiu hơn)

Cách làm:

- Nếu dùng lá dứa để tạo màu xanh cho bánh, dùng 100g lá dứa xay nhuyễn với nước. Rồi lọc bỏ bã, thu lấy 350ml nước lá dứa. Tương tự nếu dùng gấc tạo màu đỏ cho vỏ bánh.

- Sau đó, cho đường, nước lá dứa và bột năng quấy tan rồi bắc bếp. Để lửa vừa, quấy liền tay đến khi thấy bột ở đáy nồi hơi nặng tay thì tắt bếp, tiếp tục quấy đến khi bột quyện đều và hơi sệt lại.

-  Làm nhân bánh: Đỗ xanh ngâm nở, nấu chín sau đó cho lên chảo sên với đường, dừa nạo đến khi đỗ khô dẻo là được. Với mỗi 100g đỗ sẽ thu được 20-25 viên nhân (to, nhỏ tùy ý).

- Có thể dùng hộp nhựa làm caramen để hấp bánh. Đổ 1 lớp bột vỏ bánh vào hộp caramen, cho nhân rồi lại đổ lớp vỏ bột nữa. Hấp đến khi nhìn thấy vỏ bánh trong là được. Đợi bánh nguội, rắc vừng và dùng màng bọc thực phẩm gói lại. Lưu ý kéo màng bọc càng căng khi gói thì bánh càng đẹp.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top