Mái tóc chị Nguyễn Thị Tuấn Anh đã mọc lưa thưa trở lại sau hàng chục đợt hóa xạ trị ung thư giai đoạn cuối. Từ Hà Tĩnh vào TP HCM chữa bệnh, chị đưa cả hai cậu con trai theo để kết hợp chữa bệnh tâm lý cho con lớn và chăm sóc đứa nhỏ. 

Khi bé Phong được gần 3 tuổi, chị Tuấn Anh đưa con đi khám và bàng hoàng khi bác sĩ báo tin bé mắc hội chứng tự kỷ. Cùng lúc này, chị phát hiện mang thai lần hai. Thai kỳ hơn 3 tháng, chị ra máu nhiều nên vào điều trị ở Bệnh viện Hà Tĩnh và sau đó được chuyển ra Hà Nội. Bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư cổ tử cung, khuyên huỷ thai kỳ để tập trung điều trị bệnh. Không do dự, chị đề nghị bác sĩ kiểm tra thai nhi, nếu em bé bình thường thì sẽ giữ con bằng mọi giá.

"Cảm nhận con lớn lên từng ngày trong bụng, mình không thể có quyết định nào khác dù phải mạo hiểm tính mạng", chị Tuấn Anh chia sẻ. Chị quyết định chưa bắt đầu điều trị bệnh ung thư của mình mà trước hết phải dưỡng thai để con chào đời an toàn. Sau thời gian mẹ nằm truyền máu, dưỡng thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, may mắn bé trai chào đời khỏe mạnh. Khi ấy người mẹ mới bắt đầu hành trình chữa trị căn bệnh mang án tử. Kết quả kiểm tra lúc này cho thấy ung thư ở chị đã tiến triển giai đoạn muộn, di căn sang hạch bụng, hai bên phổi, xương sống...

Phong chăm em trai trong lúc mẹ đi viện. Ảnh: T.A

Bé Phong chăm em trai trong lúc mẹ Tuấn Anh đi viện. Ảnh: T.A

Sau khi mổ cắt tử cung tại Viện K, chị trải qua hàng chục đợt hóa xạ trị liên tục tại các bệnh viện 108, Bạch Mai. Đó là những tháng ngày chị vật lộn triền miên với nỗi đau thể xác, đau nhức không ngủ được, tóc rụng từng mảng, lông mày, lông mi cũng không còn. Tinh thần suy sụp, kinh tế kiệt quệ vì vợ chồng vốn chỉ là nhân viên lương bấp bênh, phải đi ở trọ. Chị khóc cạn nước mắt vì thương con trai bé bỏng vừa chào đời đã phải gửi về cho bà ở Hà Tĩnh, chưa được một ngày bú sữa mẹ. Mẹ căng sữa phải hút đổ để truyền thuốc, con thì khóc khát sữa đòi mẹ, bị suy dinh dưỡng, khiến chị tưởng chừng không vượt qua nổi.

Biến cố dồn dập đến với gia đình nhỏ khiến chứng tự kỷ của bé Phong không được quan tâm suốt thời gian dài. Khi mẹ hoàn tất phác đồ điều trị ung thư mới có thể bắt tay chữa trị cho con. Không có điều kiện mang con từ quê nghèo vào TP HCM điều trị, người mẹ cầu cứu bác sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà. Lo ngại sau này khi mẹ có bề gì phải xa cõi trần mà con cứ ngây thơ, khờ dại, chị mong muốn xin bác sĩ giáo trình từ xa để can thiệp trẻ tự kỷ. Chia sẻ hoàn cảnh của hai mẹ con, bác sĩ Hà hỗ trợ chị Tuấn Anh đưa bé Phong vào Sài Gòn ngày 3/11 để kiểm tra trực tiếp bé tự kỷ ở mức độ nào trước khi có hướng can thiệp cụ thể.

"Kiểm tra cho thấy bé Phong chỉ bị chậm trí tuệ và rối loạn ngôn ngữ chứ chưa phải tình trạng tự kỷ", bác sĩ Hà cho biết. Hiện bé 5 tuổi nhưng phát triển trí tuệ chỉ tương đương trẻ 3 tuổi rưỡi, song hoàn toàn có thể cải thiện được.

Bé Phong được bác sĩ và cô giáo hướng dẫn luyện tập. Ảnh: Lê Phương.

Bé Phong được cô giáo hướng dẫn luyện tập bên mẹ và bác sĩ. Ảnh: Lê Phương.

Theo bác sĩ Hà, khi bé về nhà chính mẹ sẽ là cô giáo huấn luyện cho con. Trong 4 ngày ở Sài Gòn, khi can thiệp theo hướng chậm phát triển, bé đáp ứng rất tốt. Mẹ bé được hướng dẫn các phương pháp cụ thể để áp dụng dạy con, dù đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Bác sĩ Hà cũng mua sắm đầy đủ các đồ chơi cần thiết hỗ trợ việc học của hai mẹ con. "Nếu như tự kỷ là điều bé phải đối diện suốt đời không thể chữa khỏi thì ở tình trạng chậm phát triển bé sẽ trở nên bình thường nếu can thiệp kịp thời và đúng cách", bác sĩ Hà cho biết.

Thiếu thốn tình thương của bố từ nhỏ, điều chị Tuấn Anh cảm thấy luôn vững là được chồng luôn sát cánh vừa đi làm vừa chăm vợ con bệnh tật và sự động viên của người thân, bạn bè. "Mẹ không phải là người mẹ vĩ đại nhưng mẹ sẽ làm tất cả những gì có thể. Mẹ không biết sẽ ra đi lúc nào nên sẽ cố gắng để các con được khỏe mạnh, có thể tự chăm lo tốt cho bản thân", người mẹ trải lòng.

Video Bé Phong học đếm cùng cô giáo

Lê Phương
lephuong@vnexpress.net

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top