Ngày 3/3, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản rời Hà Nội vào Huế, một trong những điểm dừng chân là Đại Nội. Đây là cách gọi chung của Hoàng thành và Tử Cấm thành, nằm trong Kinh thành Huế.

Kinh thành Huế, Hoàng thành, Tử Cấm thành là ba tòa thành lồng vào nhau, được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Đây là hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn.

Ðại Nội có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng riêng. 

Hoàng thành được xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng, năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất. Độc đáo nhất và thường được lấy làm biểu tượng của cố đô là Ngọ Môn, khu vực hành chính tối cao của triều đình nhà Nguyễn.

Những khu vực trọng yếu của Hoàng thành bao gồm: Khu vực phòng vệ, khu vực cử hành đại lễ, khu vực miếu thờ, khu vực dành cho bà nội và mẹ vua, khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí...

Ngoài ra, còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia.

Khu vực quan trọng nhất là Tử Cấm Thành, vòng tường xung quanh cao 3,5m.

Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm.

Các cầu và hồ được đào xung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.

Đại Nội là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trùng tu, phục hồi được 132 công trình, hạng mục di tích tiêu biểu thuộc quần thể.

Duy Hoàng - Hoàng Thành

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top