New York là nơi trồng nhiều táo thứ hai nước Mỹ, chỉ sau bang Washington. Thế nhưng, biệt danh “Quả Táo Lớn” (Big Apple) lại không liên quan đến việc trồng hoa quả. Trên thực tế, cái tên này xuất hiện lần đầu gắn với trò đua ngựa.
Năm 1920, John Fitz Gerald, phóng viên đến từ New York nghe thấy một số người trông chuồng ngựa người Mỹ gốc Phi ở New Orleans nói họ chuẩn bị tới “Quả Táo Lớn” như một cách ám chỉ thành phố New York, nơi có những trường đua ngựa hàng đầu thế giới. Từ đó, Fitz Gerald bắt đầu đề cập đến cụm từ “Big Apple” trong các bài báo của mình.
Năm 1930, các nghệ sĩ nhạc jazz cũng bắt đầu sử dụng thuật ngữ này để ám chỉ New York là quê hương của những câu lạc bộ âm nhạc xuất sắc nhất.
Cái tên “Quả táo lớn” ra đời lần đầu gắn với trò chơi đua ngựa. Ảnh: History. |
Về sau, tên gọi này dần bị phai nhạt và chỉ trở lại vào những năm 1970 như một phần trong chiến dịch quảng bá du lịch cho New York. Thời điểm đó, thành phố đông dân nhất nước Mỹ đang phải trải qua khủng hoảng kinh tế với tỷ lệ tội phạm tăng cao.
Charles Gillett, chủ tịch Sở Hội nghị và Khách thăm quan New York đã có công trong việc tạo ra chiến dịch quảng cáo này. Ông là một người mê nhạc jazz và hiểu rằng biệt danh “Big Apple” - cái nôi của những điều vĩ đại, là thứ khiến cho thành phố được tôn trọng.
Hình ảnh quả táo được in trên khắp huy hiệu, áo phông và nhiều mặt hàng khác, đồng thời khách du lịch cũng được mời ăn táo miễn phí. Lần này, danh hiệu “Big Apple” đã thực sự đọng lại trong tâm trí mọi người và được sử dụng cho tới ngày nay.
Post a Comment