Thân nhân chờ nhận xác người nhà đêm 29/5.

Với chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, khu chạy thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình như ngôi nhà thứ hai khi mẹ chị - bà Nguyễn Thị Minh (64 tuổi) bị suy thận, ra vào lọc máu gần chục năm nay.

Các buổi sáng ngày chẵn - thứ 2, 4, 6 - em trai út chị Tuyết lại chở mẹ đến bệnh viện chạy máy. Thời gian trôi lâu nhất là hai ngày thứ 7, chủ nhật. Mẹ chị hầu như không dám ăn đồ có nước.

Sáng 29/5, chở mẹ đến bệnh viện nằm ổn định xong, cậu em nhờ người chồng của bệnh nhân kế bên trông giúp. Ca chạy thận tới 4-5 tiếng, em căn hết giờ làm buổi sáng tới đón là kịp.

Nhưng 9h, cả ba chị em Tuyết chạy hết vào viện sau tin nhắn: "có tai biến".

Mẹ chị vẫn nằm trên chiếc giường ban sáng nhưng y bác sĩ đứng khắp phòng. Mặt mẹ xám đi vì cơn đau bụng, buồn nôn, khó thở. Chừng 9h, các cơn đau giảm xuống, nhịp thở cũng dễ dàng hơn. Giường cạnh mẹ, nữ bệnh nhân ngoại tứ tuần Bùi Thị Bích Nguyên tỉnh táo, ngồi dậy, tháo bình ôxy.

Đột nhiên, ở cuối phòng bệnh nhân tên Huyển trợn mắt, co giật. Kíp bác sĩ lao tới, người ép tim, người bóp bóng, người thăm khám. Chị Nguyên sợ hãi xin ra khỏi phòng.

Vừa xoa bụng, bóp chân cho mẹ, chị em Tuyết căng thẳng dõi theo ca cấp cứu cuối phòng. Rồi vợ ông Huyển bật khóc. Các bác sĩ đứng bần thần. Mọi người hiểu, thế là hết.

Khoảng 10h, một nữ bệnh nhân trẻ cũng lên cơn co giật, rồi lần lượt cả 6 bệnh nhân trong đó có bà Minh - mẹ chị Tuyết phải chuyển phòng hồi sức đặc biệt vì những cơn rét run, khó thở.

"11h, mẹ tôi giật đùng đùng, tôi chỉ kịp kêu lên “ôi bác sĩ ơi” rồi phải ra ngoài nhường không gian cho bác sĩ cấp cứu", chị Tuyết nhớ lại.

Nhiều giờ sau đó, chị em Tuyết ruột gan rối bời khi lần lượt chứng kiến thỉnh thoảng lại có người được gọi vào thu xếp hậu sự cho bệnh nhân nào đó không qua khỏi. 

3h chiều, khi chị Tuyết và gia đình được gọi vào thì mẹ chị đã ra đi.

"Còn bệnh nhân Hằng, lúc mẹ tôi mất rồi vẫn thấy cô ấy ngồi ăn cháo. Nhưng cũng chỉ một lúc cô ấy co giật. Tôi hiểu rằng, cứ ai bị co giật là không qua khỏi. Tôi cứ ngỡ như mọi người giả vờ vì đang tươi tỉnh thì đột ngột trợn mắt, sùi bọt mép.

Chị bệnh nhân Nguyên cũng vậy. Lên phòng hồi sức đã khỏe, ngồi ở giường ăn bánh mì cùng chồng, nói chuyện rôm rả, tự dưng co giật. Tôi nghe nói chị được mổ đặt ống thở tại chỗ nên giữ được tính mạng", chị Tuyết kể.

Những người tử vong lần lượt được đưa xuống nhà xác bệnh viện. Đêm đó, mẹ chị Tuyết trải qua ca mổ giám định. Lúc ấy 23h - cũng là khoảng thời gian bệnh nhân thứ 7 tử vong. Quá trình giám định pháp y kéo dài tới 6h sáng hôm sau. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top