Ghé thăm nhà cụ Phương vào đầu giờ chiều, vừa hay giờ cụ đi tắm. Ở tuổi 105, mắt đã không còn thấy gì, tai cũng lãng nhưng đầu óc cụ vẫn minh mẫn, tay chân cụ vẫn còn khỏe tự lo cho mình. Vì thế cứ ngủ trưa xong là cụ chống gậy vào nhà tắm, kỳ cọ cả nửa tiếng trong đó. Xong xuôi, các con đã chờ sẵn bên ngoài, mặc đồ giúp cha rồi dìu vào giường.
Cụ Phương với đôi tai to và dài, khuôn mặt phúc hậu. Ảnh: P.D. |
"Năm nay mắt bố không còn nhìn thấy nữa nên phải nhờ con cháu dìu đi lại, lên xuống cầu thang. Chứ như các năm trước, ông cụ chống gậy lượn khắp làng", ông Nguyễn Đình Tễ, 71 tuổi, con trai út của cụ Phương, chia sẻ.
Với số tuổi 105, cụ Phương được xem là người sống thọ nhất tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Ấn tượng nhất trên khuôn mặt cụ là đôi tai dài và to như tai Phật. Chỉ cần một cái nghiêng đầu nhẹ là tai cụ cũng lúc lắc theo.
Song, điều khiến cụ Phương "nổi tiếng" hơn cả đôi bàn chân kỳ lạ. Các ngón chân cong queo, xòe ra như cái quạt. Hai ngón cái có xu hướng chụm vào nhau. Vì các ngón xòe như vậy nên không có một đôi dép nào vừa chân. Cũng vì vậy, cụ Phương thường ngồi duỗi thẳng chân, chứ ít khi khoanh lại được.
Ông Tễ - trước công tác ở bộ Y tế - cho hay, vì đôi chân đặc biệt nên cả đời cụ Phương không biết cảm giác xỏ chân vào đôi giày. Cụ cũng hiếm khi đi dép vì chẳng thể có đôi nào vừa chân, chỉ "diện" vào những lúc hội làng hay cưới con.
Cách đây mấy năm, các con cụ đi nước ngoài mua được hai đôi dép ngoại cỡ biếu bố, song để đi vừa cũng phải khoét một lỗ cho ngón cái thò ra. Ảnh: P.D. |
Gia đình làm nông nhưng để nuôi các con ăn học, vợ chồng cụ Phương đã gồng gánh bán buôn khắp các chợ Bắc Ninh, Bắc Giang cho tới Hà Nội. Vì có đôi chân này nên mỗi bước đi của cụ rất chắn chắn, chưa bao giờ bị ngã, dù hồi ấy đường đất trơn trượt.
Trong gia phả dòng họ, đôi bàn chân đặc biệt này tồn tại trong 2 thế hệ. Bắt đầu là mẹ của cụ Phương, sau đó di truyền cho cụ, cùng hai người anh trai, em gái. Đến đời các con, cháu, chắt, chút của cụ vài trăm người mà không ai di truyền đôi chân này.
"Chúng tôi để ý thấy những anh em của bố có chân này đều rất khỏe và sống thọ. Như bác thứ 2, Nguyễn Đình Thuận được xem như huyền thoại của làng với sức khỏe như trâu mộng. Bác từng kéo xe hai bánh chở cái tủ nặng cả tạ từ cầu Long Biên về nhà, hơn 50km. Hoặc như bố tôi sống chừng này mà cũng chỉ mới phải đi viện một lần", ông Nguyễn Đình Thân, một người con trai khác của cụ Phương cho hay.
Có đông con trai nhưng cụ Phương chọn ở cùng con gái út vì theo cụ con gái chăm sóc chu đáo hơn. Nay con gái đi vắng, các con trai sang chơi với cụ. Mắt nhìn bố cưng chiều, ông Tễ ghé sát tai cụ Phương nói to: "Ngồi dậy chơi không?". Cụ Phương bật dậy, động tác nhanh nhẹn không cần ai đỡ. Nhưng người con trai này vẫn đặt tay vào sau lưng để cho cụ một điểm tựa.
Chừng 4 giờ chiều, ông Tễ lấy một bát cơm nếp trộn đường cho bố ăn. "Vài năm nay bố tôi không ăn cơm, rau, mà chỉ ăn đồ nếp, với thịt hoặc đường là chính", ông Tễ chia sẻ.
Ông Thân và ông Tễ chăm sóc cha già. Ảnh: P.D. |
Cụ Phương sinh được 10 người con, hiện tại còn 6, tất cả các con của cụ Phương đều từng làm trong ngành y tế, ngoại thương. Tuy thời trẻ vất vả, nhưng cuối đời cụ được sống bình thản, đầm ấm bên con cháu.
Mùa này, bên kia con sông Đuống là những cánh đồng lúa óng ả, những đầm sen trải dài thơm ngát. Nơi đất lành chim đậu ấy, có một cụ ông sống qua 2 thế kỷ, với những điều lạ lùng.
Đôi chân của cụ Phương được cho là chân của người Giao chỉ. Nhà nghiên cứu Đỗ Hựu trong bộ Thông điển cho rằng: "Giao Chỉ là người Nam, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ". Ý kiến này được rất nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam tán thành. |
Phan Dương
Post a Comment