Là một trong số quốc gia Trung Đông đầu tư nhiều nhất cho y tế, Qatar đạt được nhiều thành tựu về sức khỏe cộng đồng. Hệ thống bệnh viện công Qatar chăm sóc sức khỏe miễn phí cho cả dân bản địa lẫn nhập cư nên trở thành "thỏi nam châm" thu hút người nước ngoài. Người nước ngoài đến đây sinh sống, làm việc dễ dàng đăng ký thẻ sức khỏe với giá 100 riyal (tương đương 27 USD) để hưởng những dịch vụ thiết yếu mà không phải trả tiền. Trường hợp không có thẻ, người nhập cư được miễn phí lần đầu khám.

Tuy nhiên, đất nước giàu có này đang đứng trước hàng loạt thách thức. Năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê chi tiêu y tế của Qatar đạt 2,2 tỷ USD. Năm 2013, con số này lên tới 4,4 tỷ USD và đến năm 2020 dự kiến 8,8 tỷ USD. Tính theo đầu người, ngân sách chăm sóc sức khỏe của Qatar cao nhất khu vực Trung Đông với 2.043 USD trên người. Tính theo GDP quốc gia, khoản tiền 4,4 tỷ USD năm 2013 chỉ chiếm 2,2%. Trung bình các nước trên thế giới chi 10% GDP cho y tế, riêng Mỹ hơn 17%. 

Lý giải nguyên nhân chính phủ dành nhiều ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, tờ Doha News cho biết Qatar đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề bao gồm dân số tăng, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong giảm, tuổi thọ kéo dài và bệnh tật leo thang.

kham-chua-benh-mien-phi-o-quoc-gia-giau-nhat-the-gioi

Ảnh: residencydatabase.com.

Một báo cáo năm 2016 nhận định dân Qatar sống lâu hơn nhưng ốm yếu hơn. Thống kê do Ngân hàng Thế giới thực hiện chỉ ra tuổi thọ trung bình của quốc gia sở hữu trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn thứ ba thế giới từ 59 tuổi vào năm 1960 lên 78 tuổi năm 2015. Cùng với đó, các bệnh liên quan đến lối sống như tiểu đường, béo phì ngày càng phổ biến. Trên thực tế, tình trạng béo phì ở Qatar đáng báo động nhất khu vực Trung Đông với 42,3% người lớn thừa cân quá mức, kéo theo hàng loạt vấn đề sức khỏe phức tạp.

Giới chuyên gia dự đoán nhu cầu chăm sóc tại bệnh viện của người dân Qatar tăng trong 5 năm tới, đòi hỏi có 3.300 giường bệnh năm 2020. Hiện nay, Qatar có 2.862 giường phục vụ 2,4 triệu dân tương đương 11,9 giường trên 10.000 người. Tỷ lệ này ít hơn nhiều so với mức trung bình thế giới là 27 giường trên 10.000 người và mức trung bình của nhóm nước giàu là 54 giường trên 10.000 người.

Tiếp đến, như mọi quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Qatar liên tục thiếu hụt chuyên gia y tế. Dù số lượng y tá được xem là khá tốt với tỷ lệ 62 y tá trên 10.000 người dân, nước này chỉ có 28 bác sĩ (bao gồm cả nha sĩ) trên 10.000 dân. Tỷ lệ này cao hơn một chút so với mức trung bình ở Trung Đông (26 bác sĩ trên 10.000 người) song ít hơn nhiều nếu so với Kuwait (35 trên 10.000) hay Bahrain (32 trên 10.000).

kham-chua-benh-mien-phi-o-quoc-gia-giau-nhat-the-gioi-1

Khuôn viên bên trong Sidra, cơ sở y tế hàng đầu Qatar. Ảnh: Sidra.

Gánh nặng của Qatar còn xuất phát từ việc chính phủ thanh toán đến 80% chi tiêu y tế vì hạn chế những cơ sở tư nhân. Để giải quyết loạt khó khăn về hệ thống y tế, chính phủ Qatar đã lên kế hoạch mở rộng các bệnh viện cũng như trung tâm y tế. Đáng chú ý là Trung tâm Nghiên cứu và Y khoa Sidra trị giá 2,4 tỷ USD với 400 giường bệnh và khu phức hợp Ashghal được đầu tư 1 tỷ USD với 1.100 giường bệnh. Sau nhiều lần trì hoãn, Sidra đã đi vào hoạt động còn Ashghal dự kiến ra mắt năm 2022. 

Các dự án khác được kỳ vọng mang tới thêm 1.067 giường năm 2018 và 1.582 giường năm 2033, đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Cuối năm nay, Qatar sẽ có thêm 7 bệnh viện.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình đào tạo y khoa được đưa ra với hy vọng tăng cường đội ngũ y bác sĩ bản địa, các cơ sở y tế tư nhân được khuyến khích phát triển. Mọi chính sách đều nhằm cải thiện nền y tế đang chịu nhiều áp lực song kết quả sẽ không thể đến ngay mà cần thời gian lâu dài.

Minh Nguyên

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top