Ông Trương Kiến Quốc (78 tuổi) là người Việt gốc Hoa, được mọi người quen gọi là ông Sáng. Ông cho biết đã theo nghề viết chữ từ lúc còn thanh niên, đến nay đã gần 60 năm. Hiện tại, ông và gia đình sinh sống tại Thủ Đức, TP HCM.
Người viết chữ thuê ngày Tết gần 60 năm ở Sài Gòn.
Cứ tháng Chạp hàng năm, ông cùng gia đình sẽ ra ngồi tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 để viết chữ cho người có nhu cầu.
Nghề chính của ông là thông dịch tiếng Hoa và viết chữ Hán Hoa. Ông Sáng tâm sự, nghề viết chữ này nhìn thì dễ nhưng để có được chữ đẹp, thể hiện được tinh thần qua từng đường nét là cả một nghệ thuật.
Bộ đồ nghề của ông Sáng được bày biện ngăn nắp trên chiếc bàn gỗ. Đó là các loại giấy cho khách lựa chọn, những loại bút với nhiều kích cỡ khác nhau và không thể thiếu các vật chuyên dụng để pha mực, căn giấy.
Câu chữ ông viết cũng tuỳ theo nguyện vọng của khách. Trước khi đặt bút viết trên giấy bản, ông Sáng sẽ viết ra giấy nháp rồi chỉnh sửa theo yêu cầu. Dịp năm mới, người ta thường thích mang về những chữ như hạnh phúc, tài lộc, may mắn… Thường các chữ này sẽ được thể hiện trong những câu đối khác nhau. Những câu ý nghĩa như: “Vạn sự như ý”, “An khang thịnh vượng”, “Tăng phúc tăng quyền tăng phú quý – Tấn tài tấn lộc tấn vinh hoa”,… được viết bằng tiếng Hoa.
Ông luôn nắn nót và tỉ mỉ cho từng câu chữ được viết ra. Một người gốc Hoa chia sẻ: “Năm nào tôi cũng tìm đến ông Sáng để mua chữ ông viết. Chữ của ông đẹp và rất có hồn”.
Giấy sau khi viết sẽ được phơi khô trước khi khách mang về. Thường người ta sẽ đến đặt hàng trước rồi quay trở lại lấy sau để không mất công ngồi đợi.
Sản phẩm sau khi thành hình có nhiều mức giá khác nhau, tuỳ thuộc vào chất liệu giấy, độ dài của chữ và kích cỡ. Đối với người Hoa, màu đỏ là biểu tượng của sự may mắn, tốt lành và an khang thịnh vượng nên hầu hết chữ đều được viết trên giấy bản màu đỏ, mực vàng. Miếng nhỏ cỡ hai lòng bàn tay có giá 35.000 đồng, câu đối dài có giá từ vài trăm đến cả triệu đồng.
Ông còn vui tính, sẵn lòng tư vấn cho người lần đầu đến mua chữ. Người thân trong gia đình phải liên tục hỗ trợ để ông có thể thoải mái, tập trung công việc. Người thì quạt mát, người thì vận chuyển các miếng giấy đi phơi, người thì tiếp chuyện khách… Nhờ vậy, không khí ở một góc đường nhỏ giữa lòng Sài Gòn lại trở nên rôm rả vào những ngày cận Tết.
Xin chữ, cho chữ là một trong những phong tục ngày Tết đã tồn tại nhiều đời. Người cho chữ thường được gọi là ông đồ, đó là những người hay thơ chữ đẹp. Không chỉ là nét văn hóa truyền thống, cho chữ còn mang lại thu nhập cho nhiều gia đình.
Post a Comment