Audrey là cây bút của That Backpacker, đến Việt Nam tháng 4/2013. Tuy nhiên, trải nghiệm ở miền Tây không mấy suôn sẻ. Dưới đây là nhật ký cô ghi lại trong những ngày ở miền đất này.
Audrey trong kho rượu tại Edinburgh, Scotland. Ảnh: That Backpacker. |
Cô lái thuyền chầm chậm khua mái chèo nhịp nhàng trên làn nước màu cà phê sữa, chúng tôi thong thả đi giữa những tán cọ trông như chùm lông vũ xòa xuống. Thuyền băng qua những căn nhà sàn nổi với lũ trẻ vẫy chào rối rít bên bậc cửa. Từ phía bên trái, thuyền của những phụ nữ đội nón lá vượt lên, mít xếp san sát thành từng đống lớn nằm phía sau khoang. Đây chính là khung cảnh của một Việt Nam tôi vẫn kiếm tìm.
Tôi còn lưu giữ những bức ảnh về khung cảnh đó và tưởng tượng về chuỗi ngày trễ nải trên miền châu thổ, đung đưa chiếc võng trên con tàu hơi nước đang ngược dòng. Thi thoảng chúng tôi dừng lại bên một ngôi làng nhỏ ven sông. Đó quả là một chuyến đi tới thiên đường nhiệt đới, lịch trình không có quá nhiều chi tiết.
Audrey chụp ảnh trên thuyền khám phá sông nước miền Tây. Ảnh: That Backpacker. |
Tuy nhiên, hành trình tôi trải qua là một trong những tour du lịch tệ nhất trong đời. Tôi cố gắng không nêu tên doanh nghiệp tổ chức chuyến đi miền Tây cho mình, nhưng sẽ chỉ ra những điểm mà bất cứ đại lý du lịch nào nếu mắc phải cũng cần cải thiện ngay lập tức.
Đừng di chuyển nhiều hơn thời gian tham quan
Tôi hiểu rằng khoảng cách giữa các điểm tham quan rất lớn, nhưng đừng bắt du khách trên xe buýt 12 tiếng một ngày và cho họ 15 phút thăm chợ, 20 phút thăm trại nuôi cá sấu.
Ví dụ, khi đến điểm tham quan một ngôi chùa, hướng dẫn viên yêu cầu mọi người trèo 400 bậc lên núi, thăm thú và trở xuống trong vòng 30 phút. Tôi không phải người duy nhất tròn mắt khi nghe hướng dẫn viên nói điều đó sau 2 tiếng di chuyển đến nơi. Bạn có thể nghĩ tôi lười biếng vì không thể leo 800 bậc trong nửa giờ, nhưng trong đoàn còn có những đôi vợ chồng già. Tôi không chắc họ có thể đi tới đỉnh núi trong khoảng thời gian đó.
Đừng quảng cáo quá lời
Một trong những lý do khiến tôi thật sự thất vọng là tour không giống như quảng cáo. Ngày thứ nhất, chúng tôi tới thăm trại nuôi ong, nơi tôi chưa từng đến. Cả đoàn được dẫn tới hai thùng gỗ đóng thưa, một người đàn ông kéo tấm ván lên - nơi có những con ong đang chăm chỉ làm việc, và nói rằng mọi người hãy chụp nhanh vài tấm ảnh. Thế là xong tour thăm trại ong. Chúng tôi ở đó chừng 2 phút rồi qua một chiếc bàn để uống thử trà mật ong và một vài sản phẩm khác liên quan. Tôi không phàn nàn gì về những sản phẩm này, nhưng họ làm tất cả chỉ để chúng tôi chi tiền mua một vài món hàng.
Đừng bao giờ bỏ mặc khách
Một ngày, tôi nhận ra một phụ nữ cùng đoàn đã bị bỏ lại nơi ăn sáng gần khách sạn khi hướng dẫn viên khởi hành theo lịch trình. Tôi báo với hướng dẫn viên nhưng anh ta chỉ nhìn vào điện thoại và dẫn mọi người ra phía bến sông. Tôi thẫn người một lát trước khi chạy về phía Sam, bạn tôi, để hỏi anh ấy có thể thuyết phục hướng dẫn viên quay lại tìm du khách nọ không. Song chúng tôi đều bất lực. Khi cả hai đã hết hy vọng, bỗng nhiên du khách bị bỏ lại xuất hiện. Chắc hẳn lễ tân khách sạn đã chỉ đường cho cô ấy, vừa kịp giờ lên tàu.
Đừng bao giờ ghép tour
Tôi không ngại nếu chuyến xe dừng đâu đó dọc đường để trả khách hay đi lệch hành trình một chút. Tuy nhiên, có ngày chúng tôi đã phải ngồi trên xe thêm 3 tiếng để tài xế đưa 3 du khách tới một thành phố khác tham quan riêng, rồi quay lại con đường cũ. Tại sao không gọi xe riêng cho khách?
Sau chuyến đi miền Tây, tôi có thể nhìn lại và cảm thấy buồn cười về trải nghiệm đó.
Xem thêm: Miền Tây bình yên trong mắt khách nước ngoài
Post a Comment